Bà Phan Thị Mỹ Thanh, người vừa bị Ban Bí thư cách hết các chức vụ do ký một số dự án cho công ty của gia đình, một biểu hiện của lợi ích nhóm - Ảnh: NLĐ |
Thời gian qua, có khá nhiều vụ việc, vụ án xảy ra mà không ít cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật, xử lý về pháp luật có dấu hiệu của lợi ích nhóm. Vậy, cách nào để từng bước ngăn chặn, triệt tiêu được lợi ích nhóm?
Phát hiện vừa dễ, vừa khó
Theo ông Lê Nam, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, lợi ích nhóm là lợi ích của nhóm người - thường là những người có chức vụ, quyền hạn móc nối, thông đồng với nhau hoặc với người khác, lách luật, làm những điều phi pháp để trục lợi, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và của cá nhân khác.
Ông Nam phân tích, ví dụ về kinh tế có thể thấy rõ biểu hiện của lợi ích nhóm như sự liên kết giữa quan chức với doanh nghiệp để thâu tóm các hợp đồng kinh tế, các dự án bất động sản hay đất đai. Thậm chí, một số người có chức, có quyền liên kết với những người làm doanh nghiệp tạo nên tình trạng cán bộ biến doanh nghiệp thành sân sau ngay trong nhà mình. Bên cạnh đó, lợi ích nhóm còn biểu hiện trong quan hệ thân hữu, cánh hẩu trong công tác tổ chức cán bộ. Tức là việc một người lên làm lãnh đạo rồi đưa các chiến hữu, anh em, những người cùng phe cánh, hay cả những người đồng hương lên cùng..., để câu kết với nhau, chi phối, lũng đoạn, thâu tóm quyền lực. Đó là những biểu hiện rất rõ ràng về lợi ích nhóm.
Ông Nam cho rằng phát hiện lợi ích nhóm vừa dễ - vừa khó. Dễ vì có thể nhận diện nó được ngay, dễ dàng thấy được sự giàu lên bất thường hay sự câu kết của lãnh đạo này với doanh nghiệp khác khi họ ưu ái cho doanh nghiệp trúng dự án nào đó ở tỉnh.
Cho rằng việc này hoàn toàn có thể ngăn chặn được, bằng cách ngăn chặn từ gốc là công tác cán bộ, ông Nam kỳ vọng vào việc Hội nghị T.Ư 7 đang bàn Đề án xây dựng cán bộ chiến lược, với mục tiêu làm sao lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao liêm chính, trong sạch, chắc chắn tình hình sẽ có chuyển biến ngay. “Cấp cao không tơ hào lợi ích, cấp dưới cũng sẽ không có điều kiện vơ vét, vun vén cho cá nhân hay một nhóm người”, ông Nam nói.
Quan trọng nhất là lựa chọn cán bộ cấp cao
Trong khi đó, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao đánh giá, lợi ích nhóm hiện nay xuất hiện từ những cái nhỏ nhất cho đến những cái lớn nhất. Nhưng vấn đề không nằm ở việc chế tài của chúng ta có đủ mạnh, đủ chặt chẽ để ngăn ngừa, xử lý được lợi ích nhóm hay không, bởi hệ thống pháp luật và chế tài về vấn đề này đều đã rất đầy đủ. Vấn đề quan trọng nằm ở việc triển khai thực hiện và nằm ở cơ chế, từ cơ chế quản lý chính sách, cơ chế quản lý về kinh tế, rồi về con người...
Những cơ chế đó mới là mầm mống có khả năng tạo ra lợi ích nhóm. “Chúng ta phải làm sao để không làm nảy sinh lợi ích nhóm mới là việc quan trọng nhất. Còn chế tài xử lý của ta đã khá nghiêm khắc, nhiều tội danh tham ô, tham nhũng đã bị tuyên án tử hình”, ông Độ phân tích.
Để ngăn chặn lợi ích nhóm ngay từ gốc rễ, ông Độ cho rằng cần đổi mới chính sách, đổi mới cơ chế, chọn những người cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị, có đức, có tài. Nhưng bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước cũng cần thay đổi.
“Ví dụ, bây giờ một người vào T.Ư sẽ “nghiễm nhiên” được cấp nhà, cấp đất trị giá hàng chục tỷ, như vậy thì ai cũng muốn vào, cũng vì thế, người ta mới tìm mọi cách để chạy, để có được lợi lộc một cách chính đáng. Việc chạy đó sẽ làm nảy sinh lợi ích nhóm. Vì thế, lựa chọn đội ngũ cán bộ cấp cao rất quan trọng”, ông Độ nêu quan điểm.
Đồng tình, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng cho rằng, lợi ích nhóm mục đích cao nhất là vì đồng tiền. Nếu đồng tiền lại có thêm quyền lực thì sẽ tạo thành sức mạnh lũng đoạn tổ chức, lũng đoạn xã hội. Vì thế mới có câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, hay tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách…
Tất cả đều liên quan đến lợi ích nhóm, đây chính là kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất. “Vì thế, lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu rất quan trọng. Để chống được lợi ích nhóm, thì chính người đứng đầu phải không được đứng trên pháp luật”, ông Hùng góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận