Y tế

Cách nào phát hiện sớm trẻ ung thư tuyến giáp?

02/03/2023, 06:35

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp có xu hướng tăng cao và xuất hiện cả ở trẻ dưới 18 tuổi.

Chỉ tình cờ phát hiện

img

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp đơn giản, hiệu quả để phát hiện các khối u tuyến giáp

Ở tuổi lên 10, cậu bé L.A.T (Hà Nội) đã phát hiện hạch ở cổ và được chuẩn đoán u tuyến giáp với chỉ định phẫu thuật.

Tuy nhiên, gia đình từ chối phẫu thuật và đưa con xuất viện về điều trị thuốc Nam. Bước sang tuổi 15, bệnh tình trở nặng, T. được gia đình cho quay lại viện trong tình trạng ăn uống khó khăn, phải thở máy do khối u chèn vào đường thở.

Tại bệnh viện, khối u giáp của T. được các bác sĩ chẩn đoán đã di căn phổi đa ổ, lan xuống hõm ức, gây hẹp lòng khí quản. T. được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ. Sau phẫu thuật, T. tiếp tục được điều trị các di căn phổi.

Còn với chị H.T.D (35 tuổi, Bắc Ninh) khoảng 2 tháng nay, chị cảm thấy vùng cổ nổi hạch và cảm giác bị vướng khi nuốt. Khá lo lắng, chị tìm đến phòng khám gần nhà siêu âm tuyến giáp. Kết quả cho thấy, phần thuỳ phải tuyến giáp xuất hiện nhiều tế bào nang có nhân lớn, xếp chồng lên nhau tạo thành mảng. Nghi ngờ chị D. ung thư tuyến giáp, bác sĩ khuyên chị nên đến bệnh viện lớn.

Tìm đến Bệnh viện K Trung ương, chị được chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú. Để ngăn chặn mức độ lây lan của khối u, bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

Tương tự, chị N.T.T (Hà Nội) tìm đến Bệnh viện K Trung ương khám sau khi có kết quả nghi ngờ u tuyến giáp trong đợt khám sức khỏe đầu năm tại công ty. “Cả cơ quan hơn 200 người, thì có 3 chị em siêu âm phát hiện khối u tuyến giáp, dù trước đó đều không có dấu hiệu cụ thể nào, sức khỏe vẫn ổn định”, chị T. cho biết.

Theo TS. BS. Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K, những năm gần đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý về u tuyến giáp nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng.

Điều này không chỉ ghi nhận tại Bệnh viện K mà còn ở nhiều bệnh viện khác. Ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp nhất trong ung thư các tuyến nội tiết (chiếm 92-95%) và chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung.

BS. Quý cho biết thêm, hiện phần lớn các bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến khám và điều trị do tình cờ phát hiện hoặc khám sức khoẻ định kỳ mà thường không có triệu chứng đặc hiệu.

Tuy nhiên, một số trường hợp khác, người bệnh đến viện trong tình trạng khối u, hạch vùng cổ có kích thước lớn, xâm lấn rộng gây chèn ép khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản, gây ra các triệu chứng tương ứng như khó thở, nuốt vướng, khàn tiếng…

Ít gặp ở trẻ nhưng không được chủ quan

Liên quan đến ung thư tuyến giáp ở trẻ em, BS. Nguyễn Văn Tâm, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, dù bệnh ít gặp hơn người lớn, tuy nhiên khi trẻ xuất hiện u giáp thì tỷ lệ gặp ung thư cao hơn.

Nguyên nhân, do ung thư tuyến giáp ở trẻ em thường không xác định được giống như người lớn. Các yếu tố gây nguy cơ ở trẻ là có tiền sử tiếp xúc tia xạ, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi là nhạy cảm nhất; tiền sử mắc bệnh tuyến giáp, thiếu i-ốt hay các yếu tố di truyền.

Ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có tiên lượng tốt, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm tương đối cao. Khi có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám chuyên khoa, tránh tình trạng nghe theo những lời khuyên dân gian, dùng các phương thức điều trị khác như đắp lá, thuốc nam, thuốc bắc, bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị.

BS. Ngô Xuân Quý


Theo BS. Tâm, để phát hiện sớm, trẻ cần khám sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần, được kiểm tra vùng cổ và nội soi thanh quản đánh giá di động dây thanh.

Cần cho trẻ khám ngay khi xuất hiện khối sưng phồng vùng cổ, nuốt nghẹn, nuốt vướng hay khàn tiếng.

Đặc biệt, khi có yếu tố nguy cơ như tiền sử tiếp xúc tia xạ vùng đầu cổ, thiếu i-ốt, tiền sử bệnh tuyến giáp hay gia đình có bệnh ung thư tuyến giáp, gia đình có hội chứng di truyền thì trẻ cần được khám tuyến giáp định kỳ 6 tháng/ lần.

Nếu phát hiện có u tuyến giáp, tùy theo mức độ nghi ngờ trên siêu âm mà bác sĩ khuyến cáo chọc hút kim nhỏ xét nghiệm giải phẫu bệnh ngay, hoặc theo dõi và khám lại sau 3-6 tháng hoặc 6-12 tháng.

Hầu hết các ca ung thư tuyến giáp trẻ em thường cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ do khối u lớn, xâm lấn tổ chức xung quanh và di căn hạch cổ. Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân được điều trị i-ốt phóng xạ 131.

“Mặc dù ung thư tuyến giáp trẻ em phát hiện muộn và khi phát hiện thường có di căn hạch vùng cổ, tuy nhiên điều trị phẫu thuật tuyến giáp kết hợp với i-ốt phóng xạ 131 cho tiên lượng tốt. Tỷ lệ khỏi bệnh cao, tương đương ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa ở người lớn”, BS. Tâm cũng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.