Quảng trường, bãi xe, nhà ga Sài Gòn... thu hút các nhà đầu tư khai thác lợi thế thương mại, dịch vụ, phục vụ phát triển vận tải nhưng vướng nhiều về cơ chế, hình thức hợp tác đầu tư để hoàn vốn - Ảnh: K.Linh |
Cục Đường sắt VN đang chủ trì xây dựng đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt do Nhà nước đầu tư để phân định rõ cơ chế, vai trò của từng chủ thể, nhất là khi Tổng công ty Đường sắt VN đã thay đổi đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất giao tài sản theo hình thức giao vốn
Thực hiện Nghị định 46/2018 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHT đường sắt quốc gia, Bộ GTVT đang giao Cục Đường sắt VN chủ trì xây dựng đề án quản lý, sử dụng tài sản KCHT đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Cục Đường sắt VN) cho biết, nội dung đề án sẽ được xây dựng theo phương án giao Tổng công ty Đường sắt VN trực tiếp quản lý sử dụng, khai thác, bảo vệ, bảo dưỡng tài sản KCHT đường sắt quốc gia. Phương án này bao gồm cả tài sản KCHT đường sắt trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến chạy tàu theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủng hộ quan điểm cần có cơ chế mới để phát triển hạ tầng đường sắt, nhưng ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ KCHT, Bộ GTVT cũng cho rằng, cơ chế mới cần tạo điều kiện phát triển, nâng năng lực vận tải đường sắt. “Phải làm rõ cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp kinh doanh KCHT đường sắt với các cơ quan quản lý Nhà nước” ông Điệp nói. |
Ông Hoàng Đăng Khoa, Trưởng ban Kiểm soát nội bộ Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, phương án này đảm bảo được tính ổn định trong công tác quản lý, sử dụng KCHT đường sắt hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Khoa, phương án này chưa tận dụng được cơ hội mà Luật Đường sắt 2017, các văn bản pháp luật liên quan về việc mở cơ chế mới khai thác lợi thế của KCHT đường sắt, trong đó có lợi thế thương mại về quỹ đất.
“Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất, phần tài sản KCHT đường sắt quốc gia gồm cầu, hầm, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu... giao cho tổng công ty quản lý, sử dụng, khai thác không tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Phần tài sản KCHT đường sắt quốc gia gồm toàn bộ nhà ga của 297 ga, kho hàng, bãi hàng... giao cho tổng công ty theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Khoa cho biết.
Cũng theo ông Khoa, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị, trong khi chưa được Nhà nước cân đối vốn đầu tư, cho phép đơn vị này được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư nâng cấp, cải tạo KCHT đường sắt nhằm giải tỏa các nút thắt về hạ tầng, tăng năng lực thông qua cho vận tải đường sắt như: Kéo dài đường ga, nâng cấp đường bộ vào ga, đầu tư đường nhánh...
“Đơn cử ga Sông Lũy, Tổng công ty Đường sắt VN rất muốn tự đầu tư kéo dài đường ga, đặt đường số ba để tăng năng lực thông qua nhưng không được phép. Vì theo luật, KCHT đường sắt liên quan trực tiếp chạy tàu do Nhà nước đầu tư; còn doanh nghiệp tự đầu tư thì vướng nhiều quy định, nhất là chưa có cơ chế hoàn vốn”, ông Khoa nêu ví dụ.
Ai quản lý vốn ngân sách bảo trì đường sắt?
Trước đây, Tổng công ty Đường sắt VN được Bộ GTVT giao trực tiếp nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác bảo trì KCHT đường sắt. Tuy nhiên, hiện Tổng công ty Đường sắt VN đã thay đổi đại diện chủ sở hữu Nhà nước từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Tổng công ty Đường sắt VN không còn là đơn vị trực thuộc cũng như đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của Bộ GTVT. Vì thế, theo quy định của Luật Ngân sách, Bộ GTVT không thể giao trực tiếp như trước”, ông Nguyễn Tiến Thịnh nói và cho biết, Cục Đường sắt VN đề xuất Bộ GTVT giao nguồn ngân sách này cho Cục Đường sắt VN. Sau đó, trên cơ sở kế hoạch bảo trì đã được Bộ GTVT phê duyệt sẽ ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt VN để thực hiện.
Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất này, ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ KCHT Bộ GTVT cho rằng, sau khi Cục Đường sắt VN đặt hàng, Tổng công ty Đường sắt VN lại ký với các đơn vị bảo trì (nhà thầu). “Như vậy, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ là vai trò trung gian”, ông Điệp nói và phân tích, dù là Cục Đường sắt VN hay Tổng công ty Đường sắt VN, đơn vị nào được giao quản lý tài sản nên thực hiện các nhiệm vụ này, không nên tạo ra cơ quan trung gian.
Cũng liên quan đến việc giao quản lý vốn bảo trì, Tổng công ty Đường sắt VN lại đề xuất hai phương án cho hai phần tài sản KCHT đường sắt riêng biệt. Cụ thể, đối với phần tài sản KCHT đường sắt được giao không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy trình, cơ chế hiện hành. Tổng công ty Đường sắt VN lập kế hoạch bảo trì và dự toán thu chi ngân sách Nhà nước hàng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được giao dự toán tổng công ty tổ chức thực hiện theo quy định; ký hợp đồng đặt hàng với các công ty bảo trì KCHT đường sắt.
Đối với phần tài sản KCHT đường sắt được giao theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt VN chịu trách nhiệm bảo trì tài sản, hạch toán và bảo toàn vốn theo quy định. Kinh phí bảo trì được bố trí từ sử dụng nguồn thu kinh doanh KCHT đường sắt và các nguồn khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận