Quản lý

Cách nào quản xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ?

21/03/2019, 06:07

Xe hợp đồng dưới 9 chỗ và xe taxi truyền thống sẽ phải đưa về cùng một điều kiện kinh doanh và có sự quản lý chặt chẽ.

img
Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 nhằm đưa tất cả các loại xe
kinh doanh vận tải (trong đó có xe hợp đồng dưới 9 chỗ như Grab) vào quản lý
(Trong ảnh: Xe Grab đang đón khách). Ảnh: Khánh Linh

Trong dự thảo lần thứ 7 Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trình Chính phủ gần đây, Bộ GTVT đề xuất phương án quản lý loại phương tiện kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi là xe taxi. Tuy nhiên, sau khi rà soát, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật. Vấn đề đặt ra tới đây là cách thức quản lý loại hình này sẽ như thế nào?

Cần định danh cụ thể xe hợp đồng và taxi

Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT nhận định quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi, có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe.

“Do đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi”, văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên, kết luận cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định 86, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nội dung dự thảo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình Luật GTĐB, Luật Giao dịch điện tử. Để đảm bảo tính khả thi khi nghị định được ban hành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan.

Theo Phó Thủ tướng, nội dung dự thảo cũng phải đảm bảo các nguyên tắc như: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, khuyến khích các thành phần kinh tế, loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ; loại bỏ các nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải, cũng như làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, cả hai phương án đều chưa lý giải đúng với bản chất. Để đảm bảo không trái luật, đúng với bản chất thực tế, dễ quản lý, bình đẳng về điều kiện kinh doanh, ông Hùng cho rằng, cần định danh cụ thể và đúng với bản chất của loại hình taxi và xe hợp đồng.

“Khi có định danh cụ thể, các doanh nghiệp sẽ tự căn cứ vào đó để lựa chọn và đăng ký loại hình kinh doanh phù hợp, đăng ký loại hình vận tải nào sẽ chịu điều kiện kinh doanh của loại hình đó”, ông Hùng nói.

Cho biết xe taxi có những thuộc tính rất đặc trưng là chuyến ngắn, nhiều chuyến trong ngày, hoạt động chủ yếu ở đô thị, ông Hùng đề xuất định danh taxi bằng định nghĩa: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ để vận chuyển hành khách; hoạt động chủ yếu ở đô thị; phục vụ chủ yếu các chuyến đi ngắn; hoạt động nhiều chuyến trong ngày; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm ứng dụng để đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử”.

Đối với xe hợp đồng, ông Hùng phân tích, xe hợp đồng được thuê theo 1 hợp đồng nguyên xe, nguyên chuyến, chuyến đi dài hoặc có thời gian dài. Do vậy, ông Hùng cho rằng cần định nghĩa loại hình này theo hướng: “Vận tải hành khách theo hợp đồng là hoạt động kinh doanh vận tải thuê trọn gói nguyên xe, nguyên chuyến (bao gồm cả thuê người lái xe), với thời gian không nhỏ hơn 4 giờ hoặc quãng đường vận chuyển không nhỏ hơn 40km cho một hợp đồng, hoạt động không thường xuyên, không theo tuyến cố định. Được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, vận tải đường bộ có tính xã hội hóa cao, nhiều phức tạp. Việc phải chọn lựa phương án nào để thỏa mãn yêu cầu đặt ra là vấn đề khó khăn. “Trong quá trình soạn thảo nghị định, việc chắt lọc ý kiến đưa ra phương án đáp ứng tất cả yêu cầu đó là vấn đề không đơn giản”, ông Quyền nói.

Cơ bản nhất trí với phương án coi xe hợp đồng điện tử là taxi nhưng ông Quyền cho rằng, việc không cho phép tất cả xe dưới 9 chỗ được phép kinh doanh hợp đồng là không phù hợp với thực tiễn. Giải thích điều này, ông Quyền cho biết, trong xã hội hiện có nhiều xe hợp đồng dưới 9 chỗ như xe phục vụ đám cưới, xe hợp đồng tham quan du lịch, hay chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Cũng theo ông Quyền, việc gọi xe như Grab là xe hợp đồng là không phù hợp. Theo Luật GTĐB khi nghiên cứu để quy định 5 loại hình vận tải khách thì tiêu chí về hình thức giao dịch giữa người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp vận tải không nằm trong tiêu chí để xếp loại hình kinh doanh. Nếu chúng ta sử dụng tiêu chí hình thức giao dịch tiêu chí để xếp loại hình kinh doanh, cần chú ý trong vận tải khách tuyến cố định cũng có hình thức vào bến đi xe, cũng có hình thức điện thoại đón khách. Nghĩa là các hình thức giao dịch này không ảnh hưởng đến việc chúng ta xếp đó là loại hình kinh doanh gì.

“Công nghệ biến đổi thường xuyên. Nếu đưa hình thức giao dịch này vào, văn bản quy phạm pháp luật sẽ không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Vì vậy, nếu quy định hình thức kinh doanh vận tải hợp đồng điện tử là trái luật thì phải xếp nó vào là taxi vì thỏa mãn 3 điều kiện trong định nghĩa taxi trong Luật GTĐB”.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, CIEM ủng hộ các sáng kiến mới và Grab cũng chỉ là mô hình mới đó. “Trong Luật GTĐB có quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải. Vì vậy, CIEM coi những hoạt động giống như Grab là dịch vụ hỗ trợ kết nối. CIEM đang soạn thảo nội dung cụ thể quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các bên liên quan và gửi Bộ GTVT tham khảo”, bà Thảo cho biết.

Đưa về cùng một điều kiện kinh doanh

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, để quản lý chặt xe hợp đồng công nghệ hay ứng dụng kết nối phục vụ cho phát triển công nghệ 4.0, tạo điều kiện cho kinh tế chia sẻ thì phải xây dựng một khung pháp lý phù hợp.

“Nhiều ý kiến cho rằng, cần có định danh cụ thể các loại hình vận tải, các hoạt động công nghệ và hoạt động vận tải cần có sự rạch ròi, từ đây trách nhiệm rõ ràng. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tạo sự đồng thuận chung”, ông Ngọc nói.

Giải thích về quá trình xây dựng nghị định, ông Ngọc cho biết, việc soạn thảo Nghị định đã bám sát những quy định hiện hành, thực hiện đầy đủ những quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể ở đây là Luật GTĐB. Grab là một trong những đơn vị cung cấp phần mềm, dịch vụ kết nối, trong khi việc xây dựng nghị định là để tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Chỉ cần nghị định lệch khỏi “đường ray” này sẽ bị tuýt còi ngay.

“Đây là nghị định khó vì đặt ra vấn đề mới trong bối cảnh mới. Vì vậy, chỉ đạo của Chính phủ lần này là trong khuôn khổ của Luật hiện nay mà xây dựng được khuôn khổ pháp lý để dung hòa, quản lý được những gì doanh nghiệp vận tải đang có và những ứng dụng doanh nghiệp đang có trên xe như phần mềm kết nối, các ứng dụng khác như thiết bị giám sát hành trình”, ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, khi xây dựng nghị định, Bộ GTVT cố gắng điều chỉnh đúng trọng tâm, trọng điểm kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải để không có sự “xâm lấn” sang lĩnh vực khác mà Bộ GTVT không điều chỉnh hoặc đã được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác.

“Dự thảo Nghị định không sinh thêm loại hình vận tải mới so với 5 loại hình trong Luật GTĐB. Những loại hình đó trong luật quản lý thế nào, đến nay vẫn tiếp tục kế thừa những nội dung đã có, đồng thời cũng rà soát bỏ những nội dung không còn phù hợp”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết, việc soạn thảo Nghị định 86 trong thời kỳ giao thời giữa hai xu hướng truyền thống và công nghệ. Trong khi đó, quy định tại Luật GTĐB năm 2008 chưa lường hết được sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực vận tải mà vẫn quy định theo truyền thống. Trong hoàn cảnh đó, có những yếu tố quản lý muốn “vượt rào” nhưng theo luật lại không được phép. Xe hợp đồng dưới 9 chỗ và xe taxi truyền thống sẽ phải đưa về cùng một điều kiện kinh doanh và có sự quản lý chặt chẽ.

Trong điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng có xe dưới 9 chỗ và xe trên 9 chỗ ngồi có cả doanh nghiệp, hộ cá thể được phép kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh của 2 loại hình này là môi trường kinh doanh. Bộ GTVT sẽ gộp điều kiện kinh doanh cũ của hai loại hình này thành một môi trường kinh doanh mới cùng về một điều kiện kinh doanh chung, anh muốn vào “sân chơi” này phải tuân thủ. Trong đó, có xem xét giảm bớt điều kiện kinh doanh cho xe taxi và tăng điều kiện cho xe hợp đồng. Ví dụ như xe taxi truyền thống phải đeo mào, còn xe hợp đồng dưới 9 chỗ không có mào thì sẽ phải có bảng điện tử”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO VÀ HỘI NHẬP, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI):
Coi Grab là đại lý hỗ trợ vận tải

img
Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Grab là cái mới mà xếp vào hình thức cũ và bắt buộc kiểm soát nó theo cơ chế cũ nên không hiệu quả cả trong quản lý nhà nước lẫn bảo vệ lợi ích công cộng. Trong khi bản chất đây là loại hình dịch vụ kết nối vận tải và chưa được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

rong quá trình sửa Luật GTĐB cần quy định rõ các hình thức hỗ trợ vận tải. Trong khi chờ đợi sửa luật có thể xếp nó vào dịch vụ đại lý vận tải hành khách sử dụng công nghệ và có cơ chế quản lý theo hình thức này. Cần nhìn nhận đúng bản chất của Grab để đưa ra các điều kiện kiểm soát về thuế và các yếu tố khác để đảm bảo mục tiêu an toàn.

Hoàn toàn có thể đặt điều kiện cho Grab với tính chất là dịch vụ kết nối. Tuy dịch vụ kết nối và môi giới không chịu điều kiện quản lý gì nhưng do liên quan đến hàng triệu khách hàng, hàng nghìn người cung cấp dịch vụ, buộc phải mua bảo hiểm cho lái xe hay nếu xảy ra sự cố, Grab phải là người chịu trách nhiệm trước. Để đảm bảo công bằng, chúng ta quy định điều kiện riêng cho xe hợp đồng và bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết cho taxi truyền thống.

Ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Mai Linh:
Định khung tiêu chí cho 2 loại hình

img
Ông Phạm Minh Sương

Việc sửa đổi nghị định là phải đảm bảo lợi ích người dân và vai trò quản lý của nhà nước. Vấn đề đặt ra nếu lựa chọn phương án xem Grab là hợp đồng điện tử là trái với Luật GTĐB. Nếu quy định là hợp đồng điện tử sẽ khó đi vào cuộc sống, người dân không ai gọi là xe hợp đồng điện tử mà mỗi khi có nhu cầu chỉ gọi cái tên là Grab hay Vinasun, Mai Linh để di chuyển.

Phải bắt đầu từ bản chất của vận tải, không thể lấy chuỗi nhỏ trong dịch vụ là phương án tiếp cận ban đầu để áp lên cả quy trình vận tải lớn làm thay đổi cả bản chất, khái niệm và ý thức của người dân. Vấn đề này cần xem xét kỹ để định danh loại hình.

Nếu chấp nhận loại hình này là chúng ta chấp nhận tính tiền theo quãng đường mô phỏng nên bản chất là taxi vì vẫn là tính tiền theo quãng đường. Cần tách bạch theo hướng định khung taxi là gì với các tiêu chí cụ thể, tương tự là xe hợp đồng phải đảm bảo các tiêu chí gì. Đây là điều kiện định danh loại hình có sự khác nhau về phương pháp tính tiền, thời gian, quãng đường. Còn lại các tiêu chí về điều kiện phương tiện, người lái, sức khỏe lái xe, ATGT là giống nhau. Vấn đề là chỉ khác cách tính tiền giữa taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Anh phù hợp với “sân chơi” nào thì kinh doanh theo loại hình đó. Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng cần áp dụng với nhau sẽ không còn tranh cãi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.