Hạ tầng

Cách nào sửa nhanh nhất đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất?

31/03/2020, 10:02

Nếu phải đấu thầu, nhanh nhất cũng phải cuối 2020, đầu 2021 mới khởi công được dự án và hoàn thành vào cuối năm 2022.

img
Hằn lún theo vệt tàu bay tại khu bay Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Nếu dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất được triển khai ngay, đồng thời được áp dụng giao thầu theo lệnh khẩn cấp, các thủ tục có thể hoàn thành sớm để khởi công luôn trong năm nay và hoàn thành vào cuối năm 2021.

Nhanh nhất có thể khởi công dự án cuối năm 2020

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đồng ý đầu tư 2 dự án nâng cấp đường băng, đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn đầu tư công. Thông tin được chuyên gia hàng không Trịnh Như Long ví như “ánh sáng cuối đường hầm”, gỡ vướng rất lớn cho 2 dự án theo ông là vô cùng khẩn cấp này.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, sau khi xác định dùng vốn đầu tư công cho 2 dự án, về nguyên tắc, phải lập chủ trương đầu tư. Sau khi được phê duyệt chủ trương mới bố trí kế hoạch vốn.

Về vấn đề này, chuyên gia Trịnh Như Long cho hay, hiện 2 dự án không có trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Nếu không có gì đặc biệt, dự án sẽ phải chờ được đưa vào danh mục dự án đầu tư công 2021 - 2025. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhanh nhất cuối năm 2021, dự án mới có thể triển khai.

Cũng theo ông Long, trong trường hợp xác định là dự án khẩn cấp, tiến độ của dự án mới có thể được đẩy nhanh, đáp ứng đúng tính cấp bách của dự án.

Được biết, theo Luật Đầu tư công, dự án khẩn cấp sẽ không phải quyết định chủ trương đầu tư, không cần có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ GTVT có thẩm quyền quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc cấp mình quản lý.

Theo quy định tại Điều 130, Luật Xây dựng về đầu tư công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cơ quan tổ chức, cá nhân được giao quản lý công trình theo lệnh khẩn cấp được tự quyết định trình tự khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng phù hợp với yêu cầu về tình trạng khẩn cấp; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện xây dựng công trình, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu, tiến độ thực hiện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Ngoài ra, Nghị định 59 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách, có thể áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ các giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Theo một số chuyên gia hàng không, nếu 2 dự án được triển khai ngay đồng thời được áp dụng giao thầu theo lệnh khẩn cấp, các thủ tục có thể hoàn thành rất sớm để khởi công dự án ngay trong năm nay và hoàn thành vào cuối năm 2021.

Trường hợp ngược lại, nếu phải đấu thầu, nhanh nhất cũng phải cuối 2020, đầu 2021 mới khởi công được dự án và hoàn thành vào cuối năm 2022.

Liên bộ đánh giá tính khẩn cấp của dự án

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với CHK quốc tế Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là gần 2.300 tỷ đồng.


Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), ngoài việc đồng ý bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để sớm triển khai dự án, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án, mời các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… đi khảo sát, đánh giá, thẩm định tính cấp bách của dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho hay, khu bay của Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã được Cục Hàng không VN đưa vào diện giám sát đặc biệt. “Hàng tuần, chúng tôi đều có báo cáo cập nhật về các hư hỏng đường cất/ hạ cánh, đường lăn. ACV cũng liên tục tiến hành sửa chữa hư hỏng, nhưng chỉ được một thời gian lại tiếp tục xuống cấp. Hư hỏng tại 2 sân bay này rất nghiêm trọng, phải tiến hành cải tạo, nâng cấp toàn bộ mới đảm bảo an toàn, chậm ngày nào nguy cơ mất an toàn ngày đó”, ông Thanh nói.

ACV cũng khẩn thiết đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền sớm quyết định đầu tư 2 dự án theo trình tự, thủ tục đầu tư dự án khẩn cấp.

Phía Cục Hàng không VN, trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT cũng nhắc lại cụm từ “rất cấp bách, cần phải triển khai” để nói về 2 dự án cải tạo đường băng, đường lăn này.

Cụ thể, theo cơ quan này, tại Nội Bài, trên bề mặt đường cất/ hạ cánh 11L/29R có hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay. Với tình trạng hư hỏng nêu trên, trong điều kiện ngày nắng nóng và nhiệt độ cao (mùa hè sắp tới) sẽ xuất hiện thêm hiện tượng rạn bề mặt bê tông nhựa. Khi gặp trời mưa tại các vị trí hằn lún vệt bánh có nước mưa đọng lại không thoát hết gây ảnh hưởng đến kết cấu đường cất/ hạ cánh. Đường cất/ hạ cánh 11R/29L tại đây cũng có nhiều tấm bê tông bị nứt vỡ, sắc cạnh; có một số khu vực bị phùn bùn. Hiện tượng nứt vỡ bong bật các tấm bê tông lên tục xảy ra tại các vị trí đã trám vá cũ.

Tương tự, tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đường cất/ hạ cánh 25L/07R xuất hiện các vết nứt vỡ, sụt, lún. Mặt đường xuất hiện thêm một số miếng vỡ góc cạnh tấm. Đặc biệt đã xuất hiện một số vị trí vết nứt tập trung tại 4 tấm liên kết với nhau gây tình trạng lún bề mặt đường cất/ hạ cánh. Xuất hiện các vết nứt, vỡ cạnh tấm tại các khe co giãn. Đường cất/ hạ cánh 25R/07L bê tông bị rạn nứt, lún, hằn vết bánh, lồi lõm gây đọng nước khi trời mưa, hiện tượng bong bật và dồn, lún nhựa ngày càng tăng, bê tông nhựa bị rạn nứt, giảm cường độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.