Bất động sản

Cách nào thu hồi chênh lệch địa tô khi làm Vành đai 4?

10/04/2024, 09:30

Khi làm đường Vành đai 4, mục tiêu không chỉ hình thành một tuyến giao thông kết nối mà còn hình thành một hành lang kinh tế. Vậy, làm sao để thu hồi lại các giá trị địa tô, tạo nguồn thu cho ngân sách?

Hình thành trung tâm thương mại, đô thị mới

Ông Quách Sỹ Dũng, Trưởng phòng Đô thị huyện Mê Linh cho biết, huyện này có 11km đường Vành đai 4 chạy qua, trên địa bàn 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 141ha, trong đó 120ha đất nông nghiệp, 7ha đất ở.

Cách nào thu hồi chênh lệch địa tô khi làm Vành đai 4?
- Ảnh 1.

Một đoạn đường Vành đai 4 qua huyện Mê Linh, bên phải là dự án đã được quy hoạch từ thời Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, bên trái là đất nông nghiệp đang chờ quy hoạch.

Theo ông Dũng, phía đông Vành đai 4, đoạn qua huyện Mê Linh đã hình thành các khu đô thị, dự án. Huyện Mê Linh đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng không gian công cộng; Xây dựng Mê Linh thành đô thị hoa, đô thị sân bay, gắn với du lịch.

Bên phía Tây Vành đai 4 có khoảng 1.000ha đang còn là đất nông nghiệp. Quỹ đất này đang quy hoạch nhằm lấy nguồn lực đầu tư cho thực hiện Vành đai 4 giai đoạn tiếp theo.

Ông Dũng cho biết, hiện nay Mê Linh cũng như nhiều quận, huyện khác đang chờ quy hoạch Thủ đô, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng, sau mới hình thành quy hoạch tỉ lệ 1/2.000. Nhưng Mê Linh định hướng khu vực ven Vành đai 4 theo hướng phát triển thành phố sáng tạo, khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics. Đây sẽ là nơi ở, sinh sống, làm việc của nguồn nhân lực bậc cao trong tương lai.

Trên địa bàn huyện Hoài Đức, Vành đai 4 dài khoảng 17,1km, đi qua địa phận 12 xã. Tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng 239,63ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 165,77ha, đất có nhà ở 0,66ha. Hai bên đường phần lớn cũng là đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội đang phối hợp Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội khảo sát, nghiên cứu quỹ đất hai bên đường, khoảng cách từ Vành đai 4 rộng ra khoảng cách 300-500m.

"Hoài Đức vẫn mong muốn sẽ quy hoạch, phát triển chuỗi thương mại dịch vụ, trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao. Những dịch vụ này mang lại nguồn thu ổn định, lâu dài, không giống như đầu tư nhà ở, nguồn thu cao nhưng thu xong là hết", ông Hoàng chia sẻ.

Đấu thầu, cho thuê để tạo nguồn thu

Cả ông Dũng và ông Hoàng đều cho rằng, việc điều chỉnh sử dụng quỹ đất hai bên đường hợp lý và nên có hình thức đấu thầu sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách.

Thông tin với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết đơn vị đang triển khai định hướng quy hoạch chung, trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho hay, khi lập quy hoạch đường Vành đai 4 đã tập hợp quy hoạch các phân khu liên quan, định hướng chủ yếu để phục vụ phát triển đô thị, hai bên đường tạo lập ra các khu chức năng mới, bao gồm khu đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại...

Vấn đề đặt ra lúc này là ban đầu, quy hoạch nghiên cứu, định hướng dựa trên quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch đó xác định dân số đến năm 2030 là 9 triệu dân. Nhưng đến nay đã có định hướng quy hoạch Thủ đô mới, điều chỉnh đến 2045, tầm nhìn 2065, dân số đến 2030 là 14 triệu dân, vượt 5 triệu (55%) so với quy hoạch trước. Do đó, quy hoạch quỹ đất hai bên Vành đai 4 phải dựa trên quy hoạch mới.

"Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chưa được Quốc hội thông qua. Nhưng chúng ta đã có định hướng, thống nhất những vấn đề mới, vấn đề lớn. Vành đai 4 không chỉ có vai trò trung tâm với vùng Thủ đô mà còn vùng kinh tế và trọng điểm kinh tế phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Cần có tính toán, cách làm mới cho mô hình này. Nếu giải quyết tốt quy hoạch hai bên Vành đai 4 sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho liên kết vùng", ông Nghiêm nói.

TS Trần Xuân Lượng, chuyên gia ngành bất động sản, Đại học Kinh tế quốc dân cũng góp ý, nên lấy Vành đai 4 làm thí điểm, nhân rộng việc thu chênh lệch địa tô từ làm đường.

Theo ông Lượng, hai bên hành lang bám trục đường chính sẽ là quỹ đất công do Nhà nước quản lý. Quỹ đất này sẽ được đấu giá, đấu thầu, thậm chí là xây cao ốc cho thuê và phát triển hạ tầng điện, đường, trường, trạm, công trình công ích...

Toàn bộ tiền sẽ thu về ngân sách. Tiếp đến là tuyến đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của khu dân cư, phục vụ tái định cư cho người dân tại chỗ, buôn bán của cư dân, cộng sinh với khu đất công bên ngoài, tạo công ăn việc làm cho người dân mất đất và dân cư hai bên đường.

"Như vậy, Nhà nước sẽ thu hồi được địa tô từ hoạt động làm đường. Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào hưởng lợi đột biến từ hoạt động phát triển hạ tầng, đảm bảo tính công bằng", ông Lượng góp ý.

Đề xuất mô hình "thành phố trong thủ đô"

UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đồ án, thành phố dự báo đến năm 2030 trên địa bàn có 12 triệu người, đến năm 2045 là 14,6 triệu người, đến năm 2050 là 15,5 triệu người.

Kế thừa quy hoạch chung năm 2011, Hà Nội xác định quy hoạch đô thị theo 5 vùng: Vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía đông Hà Nội, vùng đô thị phía bắc, vùng đô thị phía tây và vùng đô thị phía nam.

Hà Nội cũng đề xuất áp dụng mô hình "thành phố trong thủ đô". Hà Nội dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn và thành phố phía tây thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).

Đồ án cũng thể hiện dự kiến sau khi hình thành sân bay thứ 2 vùng thủ đô, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố khu vực phía nam (nằm trên địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hòa). Cảng hàng không này có vai trò kết nối với "đô thị sân bay" ở 2 huyện phía nam của thủ đô.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.