2 bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tổng Công ty MobiFone mua 95% cổ phần của AVG
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng? Báo Giao thông trao đổi với TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ xung quanh nội dung mới này.
“Thủ trưởng nào, phong trào đó”
Ông Minh cho biết: Việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn được chúng ta quan tâm, tuy nhiên, dường như vẫn chưa trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Thời gian qua, đặc biệt là từ sau khi Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng chuyển sang cơ chế Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo thì công tác thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng được quan tâm nhiều hơn. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng từ chỗ chỉ 5 - 7% trước đây, đến nay đã lên đến 50 - 60%.
Tuy nhiên, hiện nay đặt ra yêu cầu cao hơn, bởi vài chục phần trăm không thu hồi được là số tài sản khổng lồ. Có nhiều trường hợp có dấu hiệu tài sản bị chiếm đoạt do tham nhũng, song cơ quan Nhà nước không đủ khả năng cũng như quy định của pháp luật vẫn còn vướng mắc, nên không thể đưa vào diện tài sản tham nhũng để thu hồi.
Trong các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, quá trình thanh kiểm tra, điều tra, kiểm toán, có vụ chưa có biện pháp ngăn chặn nên rất có thể tài sản tham nhũng đã bị chuyển dịch, tẩu tán. Đến khi thành án thì tài sản thu hồi không được bao nhiêu.
Chỉ thị của Ban Bí thư lần này chỉ rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Theo ông, điều này sẽ có tác dụng thế nào trong việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian tới?
Chúng ta vẫn có câu “thủ trưởng nào thì phong trào đó”. Cơ chế hiện nay tuy đã quy trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cũng có vấn đề của tập thể. Nhiều khi có xảy ra sự việc gì thì cũng khó xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Vì thế, bây giờ phải có cơ chế rạch ròi, việc nào thuộc trách nhiệm của người đứng đầu, việc nào thuộc trách nhiệm của tập thể, không để xảy ra tình trạng không xác định được ai là người chịu trách nhiệm.
Trong Chỉ thị 04, Ban Bí thư xác định rõ chủ thể trong quá trình thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bất minh này.
Ví dụ trong hoạt động thanh tra thế nào, trách nhiệm của thủ trưởng, đoàn thanh tra ra sao. Khi chuyển sang cơ quan điều tra, viện kiểm sát và đưa ra xét xử ra sao? Cuối cùng là thi hành án. Từng khâu, từng việc phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu.
Chỉ thị 04 yêu cầu nhận thức của người đứng đầu phải quan tâm đến việc thu hồi tài sản và trong công tác điều hành, người đứng đầu phải áp dụng các biện pháp tốt nhất để làm sao thu hồi tài sản tham nhũng nhiều nhất.
Kiểm soát tốt tài sản, thu nhập
Trong Chỉ thị 04, Ban Bí thư cũng yêu cầu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Theo ông, việc này cần được cụ thể hóa ra sao?
Thực tế cho thấy, vấn đề thu hồi tài sản khi thi hành án rất phức tạp. Như thế, càng đòi hỏi cơ chế chính sách, quy định thi hành án rõ ràng, từ việc kê biên thế nào, định giá tài sản ra sao… Cần phải xem xét lại, hiện nay quy trình đó có vấn đề, có những vướng mắc, khó khăn gì để sửa đổi, tháo gỡ.
Đồng thời, chất lượng của đội ngũ cán bộ thi hành án, chấp hành viên cũng cần được rà soát, nâng cao về năng lực trình độ và đạo đức công vụ. Thi hành án động đến tiền bạc, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất có thể sẽ bị gục ngã trước những mua chuộc, thậm chí là đe dọa.
Còn việc tẩu tán tài sản tham nhũng, theo ông có cách nào ngăn chặn hiệu quả?
Vừa rồi có không ít những vụ án, bị cáo bị tuyên phải bồi thường cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế tài sản kê biên, thu hồi được chỉ vài tỷ đồng. Điều này là rất bất hợp lý.
Nếu trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra không có biện pháp ngăn chặn thì đương nhiên những người phạm tội sẽ tìm mọi cách để tẩu tán những tài sản bất minh đó.
Chính vì vậy, việc kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ là biện pháp ngăn chặn đầu tiên. Bởi nếu kiểm soát tốt thì khi có dấu hiệu vi phạm, chuẩn bị điều tra, truy tố thì những người có chức có quyền không thể chuyển dịch tài sản, nếu chuyển dịch thì sẽ bị thu hồi.
Theo quy định của pháp luật, bị cáo tham nhũng mà bồi thường thiệt hại thì có được giảm án không?
Xét cho cùng thì tham nhũng là tội phạm về kinh tế, vì vậy việc thu hồi tài sản là rất quan trọng. Trong pháp luật hình sự, thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả luôn luôn là một yếu tố quan trọng để lượng hình, xem xét cân nhắc giảm án cho người đã vi phạm.
Điều 66 Bộ luật Hình sự quy định bồi thường dân sự là một trong những điều kiện để tha tù trước thời hạn. Do vậy, nếu bị án không bồi thường thiệt hại, thì sẽ không được xem xét giảm án. Ngược lại nếu bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng thì chắc chắn bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn ông!
Theo báo cáo của ngành Kiểm sát, trong 5 năm (2016 - 2020), nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh.
Viện kiểm sát các cấp tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án giải thích, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục thiệt hại đã gây ra, góp phần thu hồi số lượng lớn tài sản tham nhũng. Điển hình như trong vụ án AVG đã thu hồi 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt)... Theo đánh giá, việc thu hồi tài sản vụ AVG được xem là lớn nhất trong lịch sử tố tụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận