Việc tinh giản hàng nghìn cán bộ công chức cấp xã sẽ giúp tiết kiệm khoản chi không hề nhỏ (Ảnh minh họa) |
Để thực hiện tinh giản hàng nghìn cán bộ công chức xã và hàng chục nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc đưa ra giải pháp cụ thể, phải có cơ chế, chính sách dành cho những người dôi dư để họ không tâm tư, bức xúc.
Giảm hàng chục nghìn công chức, cán bộ không chuyên trách
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn vừa được đưa ra lấy ý kiến, đối với công chức cấp xã, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án, theo đó, số lượng cán bộ sẽ giảm từ 2.000-7.600 người tùy theo từng phương án.
Theo phương án 1, số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã loại 1 được giữ nguyên, giảm 1 người ở cấp xã loại 2 và 3. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước tính đến tháng 12/2016 là 234.217 người, bình quân 21 người/xã. Nếu theo phương án này, số lượng cán bộ cấp xã sẽ giảm khoảng 7.698 cán bộ, công chức.
Phương án 2, đưa ra số lượng tinh giản ít hơn, vì thực tế một số xã có số nhân khẩu lớn, diện tích tự nhiên rộng, phức tạp về tình hình chính trị, an ninh trật tự… Phương án này đề xuất số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã loại 1, loại 2 được giữ nguyên, chỉ giảm 1 người ở cấp xã loại 3. Theo phương án này, sẽ giảm khoảng 2.003 cán bộ, công chức.
Đối với số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Bộ Nội vụ cũng đưa ra 2 phương án tinh giản: Phương án 1, mỗi xã giảm 5 người hoạt động không chuyên trách. Hiện nay, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khoảng 200.923 người, bình quân 18 người/xã. Theo phương án này, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khoảng 172.236 người (bình quân 15,43 người/xã), sẽ giảm 28.687 người.
Phương án 2, số người tinh giản sẽ nhiều hơn. Chính phủ quy định cụ thể 12 chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo phương án này, số lượng ngưòi hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khoảng 133.944 người, sẽ giảm 66.979 người.
Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cũng được đề xuất tinh giản. Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định rõ 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Hiện nay, cả nước có 135.019 thôn, tổ dân phố với 837.657 người hoạt động không chuyên trách, tức là bình quân 6,2 người/thôn, tổ dân phố. Nếu địa phương bố trí đủ 3 chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thì tổng số chỉ còn 405.057 người, tinh giản tới 432.600 người.
Làm sao để tinh giản?
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính, mục tiêu tinh giản biên chế đã đặt ra từ lâu. Sau đợt giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã nhận ra những bất cập, hạn chế trong bộ máy và có giải pháp quyết liệt để khắc phục, đó là điều đáng hoan nghênh.
Ông Vân đánh giá các phương án Bộ Nội vụ đưa ra nhằm tinh giản là cần thiết, nhưng phải có những giải pháp quyết liệt, khả thi. “Tinh giản biên chế phải phù hợp với thực tiễn và kiện toàn bộ máy ở các cấp, gắn liền với hiệu quả sau khi tinh giản”, ông Vân nói và cho rằng cần tính toán một cách khoa học để định biên được các tiêu chí của từng xã trên cơ sở phân loại. Từ cơ sở phân loại tiêu chí của từng nhóm xã sẽ quyết định xếp ra bao nhiêu loại và mỗi loại xã thì cần bao nhiêu biên chế.
Cần có cơ chế cho người đã cống hiến nhiều năm Lấy dẫn chứng ở Đồng Tháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, đội ngũ cán bộ không chuyên trách làm việc rất tận tâm, thực lực. Cuối năm, đều có đánh giá và tiến hành kiểm điểm đảng viên nên không có chuyện làm việc hình thức. Vì thế, nếu tinh giản, ông Hòa cho rằng, Bộ Nội vụ phải làm việc với các địa phương để bàn và tạo cơ chế, chính sách cho những người thuộc diện dôi dư và không thực hiện nhiệm vụ nữa để họ yên tâm hưởng chính sách, tìm việc làm mới phù hợp với khả năng và nguyện vọng. “Trong đội ngũ này, có những người cống hiến đến 20 năm hoặc hơn, nên giờ nếu tinh giản phải làm sao để cán bộ không tâm tư, bức xúc”, ông Hòa nhấn mạnh. |
Phương pháp thứ hai, theo ông Vân, cần có cách thức sàng lọc đội ngũ công chức hiện tại. “Sàng lọc phải có phương pháp thực chứng năng lực trên cơ sở rà soát lại đội ngũ cán bộ hiện có, chọn được người thực sự có năng lực, có tâm, có tầm để ở lại làm việc. Còn người không có năng lực, không đáp ứng yêu cầu thì tinh giản là cần thiết”, ông Vân góp ý và nói thêm, hiện nay chi thường xuyên của chúng ta quá cao, chiếm 65% GDP, nên ngoài việc trả nợ và lãi vay, dư địa chi cho đầu tư quá ít ỏi nên việc tinh giản biên chế là rất cấp bách.
Với kinh nghiệm thực tế từ địa phương, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá, hiện nay số lượng cán bộ, công chức cấp xã đã tương đối phù hợp, đảm nhiệm khá tốt công việc ở địa phương, mỗi cán bộ xã phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ nên nếu tinh giản số lượng này cũng không được nhiều. Theo ông Hòa, nên tập trung vào số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, để tiến tới thực hiện chế độ kiêm nhiệm. Nghị quyết T.Ư 6 cũng đề cập đến việc cán bộ không chuyên trách cấp xã thực hiện cơ chế khoán theo quỹ lương để thực hiện nhiệm vụ, chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm để nâng cao trách nhiệm và chế độ.
Ông Hòa cho biết, đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã thường nằm ở khối mặt trận và các đoàn thể, thường làm nhiệm vụ của các ban Đảng như tuyên giáo, kiểm tra, tổ chức... Tới đây, hướng là những xã nào không đạt theo tiêu chí về diện tích và dân số phải sáp nhập lại nên cần tính tới việc kiêm nhiệm, giảm lượng cán bộ không chuyên trách là hợp lý. Tuy nhiên, việc tinh giản phải tùy theo tình hình và phân loại xã. Xã nào địa bàn rộng, dân số đông sẽ không giảm hoặc giảm ít, còn xã nào địa bàn hẹp, dân số ít, dễ quản lý thì nên tinh giản nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận