Xã hội

Cách nào ứng phó với thiên tai, sạt lở đất ở miền Trung?

16/01/2021, 18:49

Năm 2020, miền Trung vừa hứng chịu bão, lũ, sạt lở liên tiếp trên diện rộng, với cường độ rất mạnh vượt mức lịch sử từng ghi nhận.

img

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) khiến 9 người chết, 13 người mất tích hồi cuối tháng 10/2020

Ngày 16/1, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở Khu vực Miền trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”.

Miền Trung gánh thiên tai lịch sử

TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết trong năm 2020, đồng bào miền Trung vừa phải hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với cường độ rất mạnh. Mưa lớn, bão lũ gây ngập lụt ở các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm nghìn người dân.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2020, mưa bão, sạt lở đã khiến hàng chục người chết và mất tích, gây thiệt hại gần 11.000 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn đối với một địa phương như Quảng Nam, quan trọng hơn, đó là một nguy cơ cho khu vực miền núi”.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho hay, thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử kể cả về số lượng, cường độ, phạm vi, đặc biệt là thảm họa sạt lở.

Theo TS Hoài, địa hình đồi núi khu vực miền Trung có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt kết hợp với mưa vượt mức lịch sử đã khiến lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Trong khi đó, nhận thức và mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai.

"Trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu tính chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong công tác còn hạn chế dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả với tình hình huống thiên tai lớn, trên diện rộng", TS Hoài nhận định.

TS Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền trung - Tây Nguyên cho rằng, sạt lở tại miền Trung thời gian qua do sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc. Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.

img

Sạt lở kinh hoàng trên đường cứu nạn vào thủy Điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong năm 2020

Cách nào phòng, chống sạt lở?

PGS.TS Lã Văn Chú - Chuyên gia nghiên cứu lũ quét cho hay, ở nước ta đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào dự báo chính xác được thời điểm xuất hiện lũ quét cũng như phạm vi và mức độ của nó.

Trong khi đó, ở hầu hết các nước, cảnh báo và dự báo lũ quét được xem như một biện pháp đặc biệt, rất quan trọng trong số các biện pháp phi công trình phòng tránh lũ quét.

Theo PGS.TS Lã Văn Chú, các khu vực miền núi tại miền Trung cần áp dụng phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực. Đây là phương pháp cảnh báo sự xuất hiện của lũ quét qua các chỉ số mưa rút ra từ số liệu về cường độ mưa và tổng lượng mưa thu thập được từ các trận lũ quét, phụ thuộc vào mối quan hệ giữa lượng mưa lũy tích từ khi mưa và cường độ mưa tại thời điểm phát sinh lũ quét.

"Phương pháp trên được chọn lựa theo chỉ dẫn của Tổ chức Khí tượng Thế giới nên vừa có tính khả thi, vừa có hiệu quả trong điều kiện ở nước ta”, PGS.TS Lã Văn Chú nói.

Còn PGS.TS Phạm Hồng Quang - Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, hệ thống cảnh báo sớm Cli-ESEWS với công nghệ giám sát tại chỗ các thông tin như: dịch chuyển mái dốc, rung chấn; đặc tính thủy văn/vật lý của nước ngầm; các âm thanh phát xạ bởi bùn đá;… là sản phẩm công nghệ mới được thiết kế chế tạo, có đủ khả năng triển khai đại trà tại Việt Nam với chi phí đầu tư rẻ.

"Đây là một đóng góp nhằm tới mục tiêu triển khai mạng lưới báo động ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của loại hình thiên tai này”, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.