Coi bán hàng ronglà “mạch máu” kinh tế
Tại Trung Quốc, những gánh hàng rong có một lịch sử thăng trầm. Theo trang The Guardian, vào những năm 1980, người bán hàng rong ở Trung Quốc từng được coi là biểu tượng của nền kinh tế thị trường đang phát triển.
Nhiều thời điểm, cách thức kinh doanh này còn được thúc đẩy để giải quyết tình trạng thất nghiệp, như vào những năm 1990 trong thời kỳ các công ty nhà nước tư nhân hóa dẫn đến sa thải hàng loạt.
The Guardian dẫn lời nhiều chuyên gia cho biết, các xe hàng rong đóng vai trò quan trọng trong các thành phố, cung cấp việc làm cho những người có tay nghề thấp cũng như cung cấp thực phẩm giá rẻ cho những cư dân nghèo.
Nhưng thời gian Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hoá, đô thị hoá, cách thức kinh doanh này bị coi là lạc hậu, có lúc bị siết chặt quản lý. Chẳng hạn, bán hàng rong trên đường phố được coi là một chỉ số quan trọng trong đánh giá thành phố.
Trung Quốc coi hoạt động bán hàng ven đường là quan trọng với nền kinh tế và tìm cách để quản lý chứ không cấm triệt để
Trong quá trình đánh giá, các thành phố có quy định và thực thi nghiêm ngặt về bán hàng rong sẽ nhận được điểm cao hơn.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu năm 2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường lại coi xe hàng rong là “mạch máu” của đất nước và là nguồn việc làm chính thời hậu Covid-19.
Ngày 29/5/2020, trang Global Times dẫn thông báo của Ủy ban Văn minh Trung ương Trung Quốc thông báo không đưa vấn đề bán hàng rong chiếm dụng không gian ngoài trời hoặc tại các khu vực công cộng khác vào chỉ số đánh giá thành phố năm 2020.
Động thái này cho thấy sự nới lỏng tạm thời đối với việc quản lý vấn đề bán đồ ăn đường phố.
Tuy nhiên, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh này không đồng nghĩa với việc buông lỏng để buôn bán diễn ra nhếch nhác, gây mất ATGT.
Đầu tháng 2 năm nay, chính quyền TP Bắc Kinh thông báo sẽ thí điểm triển khai dự án quy hoạch bán hàng rong ở một số khu vực kinh doanh chính, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chất lượng cao ngày càng tăng.
Thay vì để các gánh hàng rong kinh doanh rải rác tại nhiều tuyến phố như trước đây, các tiểu thương cần phải đăng ký bán hàng, bắt buộc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Họ cũng sẽ phải đăng ký thời gian hoạt động, sản phẩm bán và địa điểm bán để đảm bảo an toàn công cộng.
Giải quyết vấn đề đỗ xe trái phép
Ngoài vấn đề bán hàng rong, theo nghiên cứu của Viện Giao thông và chính sách phát triển (ITDP), do tốc độ cơ giới hóa nhanh chóng và thiếu chính sách quản lý bãi đậu xe, vỉa hè nên làn đường dành cho xe đạp và thậm chí cả các làn đường cho xe cơ giới ở Bắc Kinh đã dần bị lấn chiếm. Các bãi đậu xe bất hợp pháp, không an toàn mọc lên như nấm.
Bắc Kinh có hơn 6,8 triệu phương tiện đã đăng ký vào năm 2021. Với số lượng phương tiện cao như vậy, tình trạng mất cân bằng rõ rệt trong cung và cầu về chỗ đậu xe trên toàn thành phố đã xảy ra.
Nhân viên trông xe trên 48 tuyến phố còn sử dụng xe máy được trang bị camera để ghi lại biển số các xe
Bắt đầu từ năm 2014, ITDP và các đối tác, với sự hỗ trợ của Ủy ban Giao thông vận tải TP Bắc Kinh, đã hợp tác để đề xuất thay đổi cách thức quản lý bãi đậu xe cho Bắc Kinh, mang lại sự tiện lợi cho hơn 21 triệu cư dân.
Năm 2019, Bắc Kinh bắt đầu đưa vào hoạt động 84.000 chỗ đỗ xe trả phí trên hơn 900 con đường khắp trung tâm. Tại những con phố trước đây không được quản lý, việc đỗ xe diễn ra bừa bãi trên vỉa hè và lòng đường, thì giờ đây các chỗ đậu xe được phân định ranh giới, các phương tiện cũng không thể đậu xe trái phép trên vỉa hè.
Để tạo sự thuận lợi cho người dùng và tăng cường áp dụng công nghệ số, người lái xe trả tiền đỗ xe trên điện thoại thông qua ứng dụng Giao thông vận tải Bắc Kinh. Hiện có hơn 6 triệu người dùng đã đăng ký ứng dụng này.
Qua đây, chính quyền thành phố có thể nhận dữ liệu về số lượng người đỗ xe, địa điểm và thời gian đỗ. Những số liệu này rất quan trọng để giúp thành phố tối ưu hóa hệ thống quản lý và giám sát giao thông.
Bắt đầu từ năm 2015, Bắc Kinh cũng tăng cường xử phạt bãi đậu xe trái phép, với hơn 2 triệu lượt bị phạt trong nửa đầu năm 2016. Vỉa hè của 150 tuyến phố và giao lộ cũng được lắp đặt cọc tiêu để ngăn chặn người lái xe đậu xe trái phép.
Người đi bộ và người đi xe đạp ở các quận trung tâm của Bắc Kinh giờ đây có thể sử dụng vỉa hè và làn đường dành cho xe đạp mà không phải gặp tình cảnh xe đỗ lộn xộn.
Kể từ năm 2019, việc quản lý các bãi đỗ xe đã được tự động hóa. Camera thông minh được lắp đặt quanh các bãi đỗ xe ghi lại hình ảnh phương tiện đỗ và lấy xe.
Cùng với đó, nhân viên trông xe trên 48 tuyến phố còn sử dụng xe máy được trang bị camera để ghi lại biển số các xe.
Quy trình chặt chẽ như vậy giúp đảm bảo ô tô không tiếp tục đỗ trái phép và không cản trở giao thông của người đi bộ và đi xe đạp.
Tác động của các chiến lược đỗ xe này vẫn cần được đánh giá, nhưng tiến bộ ổn định của Bắc Kinh trong thập kỷ qua chứng tỏ rằng sự chuyển đổi là hiệu quả và có thể sẽ là mô hình đối với các thành phố khác trên khắp Trung Quốc.
Dự án thí điểm phân khu, quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng rong được triển khai tại khu vực trung tâm mua sắm Wangjing Walk và Solana Lifestyle của Thủ đô Bắc Kinh từ năm 2022, bước đầu cho thấy kết quả tích cực.
Tại 2 khu vực trên, những người bán hàng rong hoạt động có trật tự và chấp hành chủ trương của cơ quan quản lý, không gây khó khăn cho hoạt động đi lại của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận