Em họ tôi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo đường chính ngạch. Dự định chuyến đi kéo dài 3 năm. Cô em tính toán, khi tích góp đủ vốn liếng, sẽ về lo cho chồng con, bù đắp những tháng ngày mấy bố con vắng mẹ.
Nhưng chuyến đi kéo dài tới 6 năm và cái gia đình nhỏ bé, ấm áp tình cảm đó đã không còn nguyên vẹn. Anh chồng chờ đợi mãi, vợ không chịu về nên đã kiếm vợ bé. Cô em tôi cũng không chịu kém cạnh, có người đầu gối tay ấp bên xứ người. Thiệt thòi lớn nhất là mấy đứa trẻ. Chúng bắt đầu quên luôn mẹ, bất cần bố.
Một cậu em khác cũng vừa đi học vừa đi làm ở Nhật, thu nhập khá hơn ở Việt Nam nhưng để thay đổi hoàn toàn cuộc sống, để giàu lên nhanh chóng thì không như kỳ vọng. Hết 3 năm, lẽ ra phải về nước nhưng sau khi được rỉ tai về mức thu nhập bên ngoài nếu dám trốn ở lại, nó gật đầu, chấp nhận một cuộc sống chui lủi.
Làm chui, sống chui, thành dân bất hợp pháp ở xứ người để mong kiếm tiền về đổi đời là “ván bài” mà “người chơi” chấp nhận đánh đổi quá lớn. Tâm sự qua mạng xã hội, cô em tôi thừa nhận, cái giá mà gia đình nhỏ bé của cô phải trả chắc chắn không tiền bạc nào bù đắp được.
Hơn 3 năm ở lại làm chui là 3 năm không thể về nước thăm con, thăm chồng. 3 năm tưởng là ngắn nhưng đúng vào giai đoạn đứa con gái đầu lòng bắt đầu tuổi dậy thì, dở dở ương ương không có mẹ ở bên cạnh uốn nắn, dạy bảo nên mới lớp 8 nó đã “bật” lại bố chan chát. Có đêm con bé còn bỏ đến nhà bạn ngủ. 3 năm đằng đẵng chờ vợ, anh chồng dù lành tính nhưng cũng bắt đầu bia rượu, bồ bịch.
Đáng buồn là câu chuyện này không mới và có thể thấy ở bất kỳ làng quê nào, nơi có những người xuất ngoại với mong muốn đổi đời.
Chuyện của những người di dân lậu sang Anh cũng có nhiều điểm tương đồng. Người ta nói, mỗi suất vượt biên thành công đến Anh, người đi phải trả hơn tỷ đồng. Đó là con số rất lớn đối với những gia đình có mức thu nhập trung bình ở Việt Nam.
Nhưng dù sao cái giá về tiền bạc đó còn có thể định lượng được một cách chính xác. Còn cái giá cho những năm tháng tuổi trẻ bị bào mòn, bị quăng quật, chui rúc ở xứ người thì không ai đo đếm được, bởi có khi nó còn phải trả bằng cả tính mạng.
Những ngày qua, nhiều gia đình tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã rất hoảng loạn khi con cái mình sang Anh đã mất hoàn toàn liên lạc. Truyền thông liên tục cập nhật thông tin về vụ việc 39 người chết trong container, trong số đó rất có thể có nạn nhân người Việt.
Những người đã ra đi, thậm chí chấp nhận biến thành “nô lệ” thời hiện đại theo đúng nghĩa đen của từ này để kiếm tiền. Nhưng đồng tiền lại chưa chắc đã bảo đảm được tương lai của họ ở quê nhà.
Sức khỏe, tuổi trẻ, phẩm giá của họ đã đem hoán đổi nơi đất khách còn con cái thì phó mặc ông bà nuôi, tương lai có thể hư hỏng bất cứ lúc nào nếu không biết sử dụng đồng tiền bố mẹ gửi về đúng cách.
Nếu đem quy đổi một cách sòng phẳng thì chắc chắn, những khoản tiền họ kiếm được bằng cách sống bất hợp pháp nơi xứ người không hề rẻ, thậm chí là quá đắt. Dù đó có thể là nhà cửa, xe hơi, là ước mơ của bao người khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận