Đại gia X. - người có bất động sản rải từ Bắc vào Nam nói với tôi, anh sẽ sắm thêm dăm căn hộ trong các khu đô thị thông minh, những mong được trải nghiệm cái gọi là “công nghệ phục vụ tận răng”.
Người đàn ông này nói: “Nếu có camera giám sát bảo đảm an ninh tuyệt đối, không sợ hỏa hoạn. Sáng có thiết bị báo ô nhiễm không khí, chỉ số nước sạch, chiều khách đến chơi để xe trong hầm nếu lỡ quên đâu là thiết bị nhắc đó. Trước khi về nhà, dùng điện thoại bật sẵn bình nóng lạnh, điều hòa; nói to là ti vi tự bật… thì tôi chả phải cho con đi du học đâu xa. Cứ ở quê nhà mà sung sướng!”.
Ở Việt Nam, người có tiền mua căn hộ hàng chục tỷ như thế không thiếu, người mong ngóng được sống trong những đô thị thông minh “như tây” cũng không ít. Hiện, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Tiền Giang đã bắt tay xây dựng thành phố thông minh. Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội cũng đã có những động thái mạnh mẽ. Mới đây nhất, một khu đô thị thông minh trị giá 4 tỷ USD vừa được khởi công tại Đông Anh, Hà Nội.
Thế nhưng, đô thị, thành phố thông minh có phải chỉ là trang bị “tận răng” công nghệ cho cuộc sống hàng ngày? Trao đổi với một số chuyên gia bên lề Diễn đàn Giao thông và môi trường châu Á - EST12 đang được tổ chức ở Hà Nội mới biết, các nước có những quan điểm khác nhau về thành phố thông minh.
Ở châu Á, nơi đô thị hóa diễn ra chóng mặt, các thành phố lớn đông nghẹt mỗi ngày, người ta hướng tới xây mới những thành phố có nền tảng công nghệ hiện đại, vừa phục vụ người dân, vừa cung cấp công cụ quản lý tốt hơn cho Nhà nước. Ở châu Âu, nơi những đô thị già nua khó đập đi xây mới, chính quyền sở tại thường hướng tới tối ưu hóa quản trị hiện có và xây dựng những thành phố thân thiện, hài hòa với thiên nhiên.
Nhưng ngay cả ở châu Á, khi đô thị và thành phố mới mọc lên như nấm thì thành phố thông minh cũng phải gắn liền với phát triển bền vững, chứ không chỉ chùm lên vai chiếc “áo công nghệ” là xong.
Mục tiêu tiên quyết phải là mang lại các tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng (hoặc dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió), khuyến khích giao thông sạch, giảm ô nhiễm.
Một đô thị thông minh chỉ được hình thành bởi những bộ óc thông minh, mà cụ thể là tầm nhìn của người lãnh đạo.
Nếu chỉ chạy theo công nghệ, hô khẩu hiệu 4.0 thì có thể cái “thông minh” của ngày hôm nay sẽ thành “cục nợ” của ngày mai. Bởi vận hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống công nghệ cho một đô thị thông minh đòi hỏi liên tục và chi phí vô cùng tốn kém. Chưa kể việc bảo mật thông tin trong thời đại công nghệ số luôn tiềm ẩn nguy cơ bất trắc.
Sự “thông minh” cũng chỉ có được khi triển khai đồng bộ, nếu TP.HCM lắp cảm biến đo mực nước ngập mà không thông báo được tới người dân lộ trình về nhà an toàn thì tiền tấn đổ vào cũng vô ích; quan trắc đo ô nhiễm môi trường mà không hạn chế phương tiện cá nhân, giảm khí thải thì cảnh báo cũng chỉ để cảnh báo. Hay như Hà Nội, Đà Nẵng lắp hàng nghìn camera giao thông nhưng không phạt nguội hiệu quả thì chưa đạt mục tiêu.
Vì vậy, điều quan trọng nhất khi xây dựng thành phố thông minh là phải lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên, có lộ trình, nguồn lực đầu tư và cách duy trì bền vững, phải làm chủ được công nghệ chứ không chạy theo nó.
Để vận hành thành phố thông minh thì người dân không thể đứng bên lề. Họ phải được đào tạo thành công dân văn minh, vừa là người hưởng lợi vừa là người cung cấp thông tin để cùng chính quyền thực hiện mục tiêu mong ước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận