Thể thao

Cái thiếu của thể thao VN không phải là tiền

19/07/2016, 14:03

Câu hỏi thể thao VN khi nào bắt kịp người Thái chưa có lời đáp và có lẽ không bao giờ có lời đáp.

thai-son-nam-bk

Đội futsal Thái Sơn Nam

Chỉ trong ít ngày, thể thao VN liên tiếp nhận hai tin kém vui. Ở môn futsal, CLB Thái Sơn Nam thua CLB Thái Port trong trận chung kết giải futsal Vô địch Đông Nam Á 2016. Ở vòng 2 David Cup, cặp đôi Hoàng Thiên/Hoàng Nam của VN thất thủ trước Sanchai Ratiwatana/Sonchat Ratiwatana của Thái Lan, qua đó chính thức phải ở lại nhóm 2. Rõ ràng, Thái Lan vẫn là cái bóng quá lớn với thể thao VN. Câu hỏi thể thao VN khi nào bắt kịp người Thái chưa thể có lời đáp và có lẽ không bao giờ có lời đáp.

Cùng ở vùng trũng Đông Nam Á, xuất phát điểm không cao hơn VN nhưng giờ đây Thái Lan đã bỏ xa VN với hàng loạt môn, bộ môn đã vươn tầm châu lục, tiệm cận trình độ thế giới như boxing. Tại SEA Games, Thái Lan đã giành tổng cộng 1.736 HCV trong khi VN mới có 829. Tại ASIAD, Thái Lan có 233 HCV còn VN có 74. Tại các kỳ Olymlic, Thái Lan đã có 11 HCV còn VN chưa một lần được hát quốc ca.

Khách quan mà nói, thể thao phản ánh trình độ phát triển của xã hội và việc thể thao Thái Lan bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua phải kể đến yếu tố kinh phí. Theo thống kê mỗi năm, Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) có ngân sách hoạt động lên đến 4 tỷ baht (hơn 1,1 tỷ USD). Số tiền này được dùng để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo VĐV trẻ và tham gia các giải đấu lớn nhỏ. Mặc dù vậy, tiền không phải là yếu tố tiên quyết giúp thể thao Thái Lan đi lên.

Trong một lần trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Anh Tú, Trưởng ban futsal VFF, Trưởng đoàn futsal VN cho biết, người Thái làm thể thao rất nghiêm túc và luôn có sự chung tay của cả xã hội. Ông nói đơn cử như futsal, tất cả các trường học ở Thái đều đưa môn này vào giảng dạy trong khi tại VN tìm mỏi mắt mới có vài ngôi trường cho học sinh tập futsal. Người Việt vốn có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng cách làm thể thao ở VN lại manh mún và tư lợi.

Thể thao VN từ thấp tới cao là cả một bộ máy cồng kềnh, đa phần đều không am hiểu thể thao, còn đời sống VĐV bị thả nổi kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Lẽ dĩ nhiên, khi cơm áo gạo tiền còn đè nặng lên hai vai, các VĐV đâu thể toàn tâm, toàn ý lo cho sự nghiệp. Chưa biết chừng, chỉ sau một ca chấn thương nặng, đang từ đỉnh cao họ có thể bị đẩy xuống vực sâu khi ngành Thể thao không có cơ chế hỗ trợ cần thiết.

Đó là chưa kể tới việc thể thao VN nhiều lần rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi tranh tài tại đấu trường quốc tế. Tư tưởng quân anh, quân tôi hay đơn vị nọ, đơn vị kia khiến ngay trong nội bộ kìm hãm, kèn cựa nhau dẫn đến tự thua. Thế mới thấy, cái thiếu nhất của thể thao VN không phải là tiền, mà là cách làm thể thao thực sự vì màu cờ sắc áo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.