Ngành Y là một trong những ngành được nhiều người lựa chọn để mong có thu nhập tốt hơn - Ảnh: Tạ Tôn |
1. Tôi có chị bạn, con gái mới lớp 10 đã cho đi du học. Họ hàng phản đối ghê lắm, bảo cực đoan thái quá, cứ cho học hết cấp 3 trong nước đi đã. Nhưng chị kiên quyết không nghe, thậm chí chị còn thuyết phục được cả ông chồng, chuẩn bị hồ sơ cho cậu con trai đang học lớp 8 nối gót chị gái.
Đương nhiên như người khác, tôi cũng phản đối kế hoạch của chị. Người ta nói, cho con đi du học là mất con, nó đi sớm quá, khi về sẽ không thích nghi được môi trường trong nước.
Nghe tôi chỉ trích, chị chỉ cười: “Chị chỉ lo không có đủ tiền cho chúng nó đi du học, chứ đi được sớm cũng tốt. Giờ xã hội chệch chuẩn nhiều lắm cô ạ. Mà ở ta kiếm đồng tiền chân chính nó vất lắm. Chị muốn con cái được rèn luyện ở môi trường mới. Anh chị quyết rồi”.
2. Sau này, tôi cất công tìm hiểu mới biết chuyện cho con đi du học từ cấp 3 không phải là hiếm. Tâm sự với một bác sỹ ngoại khoa rất giỏi, anh buồn buồn nói: “Nhìn vào đồng lương mà đánh giá con người thì chệch chuẩn hết. 27/2 vừa rồi, đám bạn học gặp nhau, ông khoe nhà mới, ông khoe xe mới. Mấy anh chậm chậm giàu, đi xe máy đều bị coi là “chậm tiến”. Mà đằng thẳng ra, lương bác sỹ, nếu không đi làm ngoài, không cách này cách nọ cũng còn lâu mới tậu được nhà lầu, xe hơi. Mổ một ca đại phẫu mấy tiếng đồng hồ bồi dưỡng 85 nghìn, trực cả ngày lẫn đêm bồi dưỡng hơn 100 nghìn. Mấy cậu bạn đùa, giờ mổ gà thuê ở chợ cũng 25 nghìn, bác sỹ lỡ có tai nạn gì về đi mổ gà thuê tiền công cũng không kém mổ ở bệnh viện là mấy, chỉ thiếu lương, mà lương thì....”.
Lại chuyện bác sỹ, dạo này tôi hay vào trông người thân trong bệnh viện, ít thấy chuyện vừa đi vừa giúi phong bì vào túi bác sỹ như trước. Có hôm, tôi thấy cô y tá đi kiểm tra dây truyền rồi lịch kịch gì đó trong phòng rất khuya, thiếp đi, sáng bảnh mắt ra đã thấy cô đi đi lại lại, ghi chép sổ sách, giao ban, rất tận tâm với bệnh nhân. Cô y tá rất trẻ, chắc vừa ra trường. Lựa hôm cô rảnh rảnh, tôi bắt chuyện. Cô nói, bệnh viện lắp camera, thực hiện quy chế mới, ai bị phản ánh qua đường dây nóng thì giải trình mệt lắm. Em mới vào làm, có việc là tốt rồi. Mẹ bảo em học lấy cái nghề, mai này có bệnh viện tư nào lương cao, xin vào làm, không phải băn khoăn chuyện bệnh nhân bồi dưỡng, cho lòng nhẹ nhàng chị ạ.
Cô gái kể mẹ cô là nhà giáo, vừa nghỉ hưu, dạy thêm cũng được hơn 10 triệu một tháng. “Bà vui lắm vì không phải giấu diếm ai. Trước đó vì có quy định cấm dạy thêm nên các cô phải dạy chui, phải nghĩ cách cho phụ huynh viết đơn xin cho con đi học. Cũng ngại ngùng nhưng lương tháng vài triệu, không dạy thêm thì vất vả quá”. “Mà chị ạ, nào ăn học, đi lại, rồi ốm đau vào viện, đồng lương đâu có đủ sống, đủ lo cho những bất trắc, nên rồi ai cũng biết làm thế không đúng, nhưng vẫn phải làm và đồng nghĩa với việc chấp nhận cả cái sai của người khác”, cô nói.
3. Mấy ngày nay, không phải chuyện giáo dục, chuyện y tế hay chuyện mãi lộ trên đường “nóng” trên báo chí mà là hàng chục vụ xây biệt thự trái phép trên đất Ba Vì bị phanh phui. Mà không chỉ có ở Ba Vì, ngay giữa lòng Hà Nội, những chung cư cao ngất ngư, hiện đại bậc nhất cũng đầy rẫy vi phạm.
Phải chăng, cơ quan chức năng không biết hay giống như câu chuyện cô y tá kể trên kia: Giờ đây, cái sai đang dễ được chấp nhận, bởi đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống. Chỗ này du di một tý, chỗ kia du di một tý, cũng đều chỉ là để kiếm thêm thu nhập mà thôi.
Giá mà lương giáo viên, bác sỹ, công an, mà nói rộng ra là lương công chức đủ sống, thậm chí dư dả thì có lẽ những sự sai kia sẽ bớt đi. Người ta sẽ không dễ dàng chấp nhận cho nhau việc du di để làm sai việc này, việc nọ.
Giá mà bộ, ngành, chính quyền nào cũng rà soát lại, xem những dịch vụ nào có thể để cho tư nhân làm, giảm bớt biên chế nhà nước vốn quá cồng kềnh, trả lương qua hiệu suất công việc. Từ đó cải cách tiền lương thì cái vòng luẩn quẩn “lương không đủ sống” mới không thít mãi, biến những chuyện không thể thành có thể chấp nhận như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận