Diệp Vấn 3 là tập phim thứ 3 xoay quanh Diệp Vấn, bậc thầy phái võ Vịnh Xuân. Phim được sản xuất sau thành công về doanh thu của Diệp Vấn (2008) và Diệp Vấn 2 (2010).
Sử dụng hình ảnh khi chưa được cho phép
Chân dung Diệp Vấn trong phim mới vẫn do ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan thể hiện. Có kinh phí 36 triệu USD, phim được khởi quay từ hôm 25/3 ở Thượng Hải. Tập phim này hứa hẹn hấp dẫn khán giả do có màn tranh đấu giữa Chân Tử Đan và cựu vô địch quyền Anh thế giới Mike Tyson.
Không chỉ là một bậc thầy võ Vịnh Xuân, Diệp Vấn còn được biết đến nhiều với vai trò là người thầy của Lý Tiểu Long. Tập phim mới chủ yếu kể về những năm cuối đời của Diệp Vấn và tình thầy trò của ông với người đệ tử nổi tiếng.
Diệp Vấn, và đệ tử, huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long |
Tuy nhiên cũng chính việc hình ảnh Lý Tiểu Long xuất hiện trong Diệp Vấn 3 đã gây tranh cãi. Tại Hội chợ Filmar diễn ra ở Hong Kong (Trung Quốc) hồi tháng 3, công ty sản xuất Pegasus Motion Pictures đã công bố kế hoạch tái tạo hình ảnh Lý Tiểu Long bằng công nghệ kỹ thuật số. Các nhà sản xuất đang hợp tác với em trai của Lý Tiểu Long là Lý Chấn Huy để dàn dựng tập phim mới.
Ngay lập tức BLE đã phản đối việc này. BLE tuyên bố họ là nơi duy nhất nắm quyền quản lý hình ảnh và thương hiệu Lý Tiểu Long, gồm tên tuổi, tranh ảnh, giọng nói, các bài viết, logo mang hình tài tử.
“BLE sẽ ngăn không cho Pegasus đưa hình ảnh Lý Tiểu Long vào phim Diệp Vấn 3. Việc này hoàn toàn trái phép. Lý Chấn Huy không sở hữu hay kiểm soát bất cứ quyền sở hữu tài sản trí tuệ nào liên quan đến Lý Tiểu Long. Lý Chấn Huy không đại diện cho BLE và ông ta cũng không được phép ra quyết định về các tài sản trí tuệ liên quan đến Lý Tiểu Long” - Kris Storti, Giám đốc điều hành kiêm cố vấn của BLE tuyên bố.
Chân Tử Đan trong chân dung Diệp Vấn
Raymond Wong, Chủ tịch công ty Pegasus, đã cho biết ông sẽ làm việc với các luật sư và sẽ nhanh chóng đưa ra tuyên bố về tranh cãi này. Có thể thấy, đây sẽ là trở ngại không nhỏ với hoạt động sản xuất Diệp Vấn 3.
“Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết tin các nhà làm phim không hề liên lạc gì với BLE trước khi bấm máy. Tôi thực sự hy vọng việc này sẽ được dàn xếp. Thật xấu hổ nếu chất lượng phim bị giảm đi, chỉ bởi một số chi tiết trong kịch bản sẽ phải viết lại vào phút chót” - Raymond Wong bày tỏ.
"Hồi sinh" trên màn bạc nhờ kỹ thuật số
Đoàn làm phim Diệp Vấn đã từng va vấp với BLE. Trong tập phim Diệp Vấn 2, hình ảnh của Lý Tiểu Long thời thơ ấu xuất hiện rất ít trong phim. Đáng lẽ Lý Tiểu Long là cũng là một nhân vật chính trong phần 2. Tuy nhiên các nhà làm phim đã buộc phải thay đổi kịch bản do tranh cãi với BLE.
Đây không phải là lần đầu tiên chân dung của Lý Tiểu Long được đưa lên màn bạc, kể từ khi ông qua đời hồi năm 1973. Bộ phim Tử vong du hý (1978) mà ông chưa kịp hoàn thành trước khi qua đời đã ra mắt khán giả, sau khi được chỉnh sửa, thêm thắt một cách vụng về các đoạn nội dung do diễn viên đóng thế thực hiện.
Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để "hồi sinh" một diễn viên đã khuất trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần này, sau khi có tin danh hài Mỹ Robin Williams đã cấm sử dụng hình ảnh của mình trên màn bạc trong 25 năm. Ông đã đưa ra quyết định này trước khi tự sát hồi tháng 8/2014 và như thế, người ta sẽ phải chờ rất lâu mới có thể "hồi sinh" ông trên màn bạc.
Trong khi đó phim hành động bom tấn Fast And Furious 7 cũng hoàn tất nhờ người ta sử dụng diễn viên đóng thế và công nghệ máy tính để tái tạo hình ảnh nam diễn viên chính Paul Walker. Anh đột ngột qua đời do tai nạn ô tô hồi tháng 11/2013, trước khi hoàn thành các cảnh quay của mình trong phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận