Xã hội

Cấm đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm

27/05/2022, 15:54

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

img

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phá sản (Điều 99).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, do hoạt động kinh doanh bảo hiểm là ngành có tính đặc thù, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Sau khi Bộ Tài chính chấm dứt kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.

Từ đó áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm. Đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm "gửi tiết kiệm" và "tham gia bảo hiểm".

Để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.

Một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Về vấn đề này, có 2 phương án, phương án thứ nhất: Bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ.

Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Phương án thứ hai: Giữ nguyên quy định cũ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cho rằng trường hợp dừng trích lập quỹ, khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm. Do đó, việc duy trì quỹ là cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ đề xuất rõ phương án xử lý số dư của quỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.