Chất lượng sống

Cảm động “đội quân cực nhanh” máu hiếm cứu người

29/04/2018, 06:00

Chỉ cần một cú điện thoại, dù nửa đêm, cách xa hàng trăm kilomet, thành viên trong cộng đồng máu hiếm đều sẵn sàng...

35

Các thành viên Câu lạc bộ máu hiếm tỉnh Quảng Bình

Có “lệnh” là lên đường

Nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xanh, đi ngoài phân đen do xuất huyết dạ dày ồ ạt, bà Hồ Thị T. (70 tuổi, trú tại Thạch Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh) không ngờ mình lại mang dòng máu hiếm A, Rh -. Nếu không được truyền máu kịp thời, tính mạng của bà khó giữ được.

Tại thời điểm đó, theo lưu trữ thông tin của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, chỉ có một người mang nhóm máu giống bà T., song đã đi xuất khẩu lao động. Ngay tại kho dự trữ của Viện Huyết học và truyền máu T.Ư cũng không có sẵn. Trước tình hình đó, bệnh viện đã cầu viện Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung. Rất may, trong câu lạc bộ, tỉnh Quảng Bình có 5 người cùng nhóm máu với bệnh nhân. Và có 2 người sẵn sàng nhận lời hiến máu.

Máu người được phân thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO) dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B. Ngoài ra còn có kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Tỷ lệ Rh+ của người Việt là 99,92%. Tức tỷ  lệ Rh- của người Việt là 0,08%, rất hiếm.

Khi nhắc lại câu chuyện này, anh Nguyễn Văn Quân công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn nhớ hành trình vượt 200km trong đêm cùng thày giáo Nguyễn Quý Hùng công tác tại trường THCS Cao Quảng, Tuyên Hóa, Quảng Bình tới Hà Tĩnh hiến máu cứu người.

Theo lời kể của anh Quân, hôm đó, cơ quan bận việc nên gần 20h anh mới về đến nhà. Vừa thay bộ quần áo và chuẩn bị ngồi vào mâm cơm thì anh nhận được điện thoại từ Chủ nhiệm CLB máu hiếm khu vực miền Trung với nội dung cần gấp 2 đơn vị máu A, Rh - nhưng mãi tận Hà Tĩnh.

Không chút đắn đo, anh Quân nhận lời cho máu và liên lạc cho “đồng đội” của mình. Bỏ bữa tối chưa kịp ăn, anh Quân lao ra quốc lộ bắt xe khách để kịp cứu người. Đúng 1h30 sáng, hai anh có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh làm xét nghiệm và hiến đi những đơn vị máu hiếm trong cơ thể mình để cứu bệnh nhân. Việc cho nhận máu hoàn thành, một sinh mạng được cứu sống cũng là lúc đồng hồ chỉ con số 3, khi trời vẫn chưa tỏ, hai anh lại nhanh chóng bắt xe khách quay về Quảng Bình để kịp giờ đi làm.

Dường như niềm vui hiến máu cứu người đã khiến các anh quên hết đói mệt. “Cứu người như cứu hỏa, không riêng mình, ai cũng sẽ hành động như vậy thôi. Đặc biệt, với những người mang dòng máu hiếm như chúng mình, sự cần kíp, chia sẻ là vô cùng đáng quý”, anh Quân cho biết.

Mới đây, một bệnh nhân người nước ngoài tên David Trees đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần bởi được hiến những đơn vị máu O Rh- từ nhiều anh chị em của CLB máu hiếm Hà Nội. Được biết bệnh nhân này mắc xơ gan phải phẫu thuật lớn nên cần một lượng lớn cả hồng cầu và tiểu cầu.

Chỉ trong vòng 20 tiếng, cộng đồng nhóm máu hiếm đã kêu gọi được 12 đơn vị máu toàn phần và 6 đơn vị tiểu cầu máy, có thể đảm bảo cho ca phẫu thuật của bệnh nhân. Các thành viên dù ở xa, bận đi làm, đi học nhưng đều tranh thủ thời gian sớm nhất có thể để đến tham gia hiến máu. Nhờ đó, ca phẫu thuật thành công.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Hạnh, một thành viên CLB Máu hiếm Hà Nội, người hiến máu cho bệnh nhân David Trees: “Nhận được “lệnh” cần máu khẩn cấp, từ Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, em gấp rút có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hiến máu. Sau này, khi biết tin bệnh nhân hồi phục, bọn em rất vui. Và vui hơn khi đọc được những dòng tin nhắn cảm ơn từ người vợ của bệnh nhân. Chúng em vẫn quan niệm “cứ cho đi mà đâu cần nhận lại”. Do vậy, bất kể thời điểm nào, điện thoại bật 24/24h cứ có “lệnh” là sẵn sàng”.

36

Những dòng tin nhắn cảm ơn là nguồn động lực với những thành viên cộng đồng máu hiếm

Mái nhà thứ hai của những người máu hiếm

Được biết, thành viên tham gia các CLB Máu hiếm trải dài theo chiều của đất nước giờ đã tăng lên đáng kể, với hơn một nghìn người. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều coi CLB Máu hiếm chính là mái nhà thứ hai của mình. Hơn ai hết, mỗi thành viên nơi đây đều hiểu “Chỉ có người máu hiếm mới có thể cứu sống được nhau”. Nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+ sang Rh- sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong. Đây cũng chính là sợi dây gắn kết cộng đồng người mang dòng máu hiếm.

Phát hiện mình thuộc nhóm máu hiếm A Rh- sau một lần đi hiến máu tình nguyện vào năm 2007, anh Nguyễn Văn Quân đã vô cùng hoảng sợ. “Ngày ấy, khi được thông báo kết quả nhóm máu mình lo lắng vì sự “bất thường” này bởi cả gia đình không ai như vậy. Nhưng khi được các bác sĩ giải thích, điều đó rất bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, có chăng chỉ là tỷ lệ người thuộc nhóm máu này hiếm, ít có ở Việt Nam, mình mới thật sự yên tâm. Và từ đó, mình chính thức đến với CLB Máu hiếm Quảng Bình”, anh Quân cho hay. Với 17 lần tham gia hiến máu, cũng có lúc người nhà “gàn” vì lo lắng, song khi nghe anh giải thích về “đặc tính” rất riêng của dòng máu hiếm, mẹ và vợ lại âm thầm ủng hộ. “Còn sức khỏe, còn đủ tuổi, tôi sẽ còn hiến máu cứu người”, anh Quân chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Hạnh, hiện đang công tác tại BV ĐK Vĩnh Yên, không quá bất ngờ khi biết mình mang nhóm máu O Rh-, chị hiểu rất rõ “những người mang trong mình dòng máu Rh- , gặp lúc nguy kịch, ngay người thân ruột thịt cũng không thể cứu được mình mà chỉ có “người lạ” cùng nhóm máu mới có thể giúp”. Nhớ lại lần đối mặt với việc mất máu quá nhiều sau vụ TNGT, chị Hạnh tâm sự: “Sau một lời kêu gọi cần máu, tôi đã nhận được sự sẻ chia nhiệt tình của biết bao người bạn, rất nhiều người mà tôi chưa từng biết mặt, biết tên. Có trải qua những giây phút đó mới cảm nhận đầy đủ hơn cộng đồng máu hiếm chính là gia đình thứ hai của mình”, chị Hạnh tâm sự.

Cùng với GS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, bác sĩ Trần Ngọc Quế chính là người đưa ra ý tưởng thành lập CLB những người có nhóm máu hiếm. Bác sĩ Quế cho hay: “Chứng kiến cảnh thai phụ phải đối mặt với sống còn khi chuyển dạ, bệnh nhân tai nạn không có máu truyền dẫn đến tử vong, các bệnh nhi bị bệnh huyết tán máu không có máu truyền,… từ thực tế đó, năm 2007 CLB những người có nhóm máu hiếm được thành lập. Với con số ban đầu chỉ hơn 20 người, đến nay số lượng thành viên tham gia rất lớn và CLB đã hoạt động rất hiệu quả, ngoài việc cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc sống còn hỗ trợ nhau về mặt sinh học khi cần truyền máu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.