Mức độ gây hại của thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), gồm thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) là một trong những quan ngại hàng đầu của Bộ Y tế hiện nay, ảnh hưởng tới quyết định ứng xử với các mặt hàng này. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia, cần cân nhắc tác hại từ việc hút lậu, hút trộm các mặt hàng này nếu các quyết sách đặt vấn đề sức khỏe lên ưu tiên hàng đầu.
Cho đến nay, thông tin về tác hại của TLNN và các loại TLTHM khác đang bị nhập nhằng, gây nhiễu, trong đó bao gồm việc gom chung TLNN, TLĐT vào làm một, nhầm lẫn sản phẩm dẫn đến sự cố ngộ độc, hay đánh đồng hệ lụy từ những loại hàng trôi nổi, kém chất lượng, trá hình với các sản phẩm đã được thẩm định khoa học và lưu thông trên toàn cầu.
Thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng là một trong những nguyên nhân khiến cho khung pháp lý mặt hàng này bị bỏ ngỏ hơn 10 năm qua. Trong khi đó, thị trường lậu TLTHM đã biến tướng, bành trướng và để lại nhiều hệ lụy đáng báo động lên sức khỏe người dùng, giới trẻ.
Hút "trộm" – Hậu quả lớn hơn cả tác hại của TLTHM?
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội phân tích tại tọa đàm "Đề xuất chính sách quản lý TLTHM" ngày 24/9: "Bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào không được Nhà nước quản lý, rõ ràng là sự bất cập". Ông Phong bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc hình thành một thế hệ "hút trộm" TLTHM nếu tiếp tục kéo dài tình trạng thiếu kiểm soát của Chính phủ.
Từ góc độ y tế, tác hại của thuốc lá là điều quá rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả chính là những rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng các sản phẩm lậu, theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tại một tọa đàm năm 2022. Ông cũng nhấn mạnh việc bỏ ngỏ hành lang pháp lý cho TLTHM không chỉ tạo nên một lớp người xài trộm hàng lậu, mà còn hình thành nền kinh tế tự phát với giao dịch ngầm trong nước.
Theo các báo cáo qua các năm, hoạt động triệt phá các hang ổ sản xuất TLĐT lậu luôn được lực lượng công an liên tục tăng cường. Kết quả điều tra cho thấy, các tổ chức này sở hữu quy trình sản xuất vô cùng tinh vi nhằm trục lợi trên nhu cầu người dùng: sao chép công thức trên mạng, nhập linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp, phối trộn các chất cấm. Sau cùng, sản phẩm được rao bán trên thị trường dưới mác chất kích thích "lành mạnh", nhưng thực chất là ma túy.
Điều đáng lo ngại nhất chính là dù được cảnh báo về tác hại của TĐT nhưng người dùng không có khả năng phân biệt và đánh đổi sức khỏe của mình bất chấp các cảnh báo.
Từ thực tiễn trên, các chuyên gia quan ngại nếu lệnh cấm thông qua, vấn đề sức khỏe đối với những người dùng hàng gian, hàng lậu sẽ thuộc trách nhiệm của ai? Trong khi đó, nhiều sản phẩm TLNN hoặc TLTHM khác đã được kiểm định, công nhận và lưu hành ở hầu hết các nước trên toàn cầu, với tiềm năng giảm tác hại đang tiếp tục được các cơ quan nghiên cứu, khẳng định.
Bài toán thiệt hại kinh tế bên cạnh rủi ro sức khỏe – Lấy gì để bù đắp?
Bên cạnh những tác động tiêu cực về sức khoẻ, nạn buôn lậu TLTHM được các chuyên gia dự đoán sẽ kéo theo thiệt hại kinh tế như những quốc gia đã áp dụng lệnh cấm hiện nay. Nếu có "cầu" mà không có "cung" hợp pháp, người dùng tất yếu sẽ tự tìm đến thị trường chợ đen như là một giải pháp tình thế.
Bài học thực tiễn tại nhiều quốc gia đang áp dụng lệnh cấm đang đối diện tình trạng thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong khi tỷ lệ sử dụng TLĐT lậu vẫn tăng cao và gánh nặng y tế chưa từng được giảm nhẹ.
Thái Lan, dù được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao về lệnh cấm TLTHM, đã thừa nhận tình trạng TLTHM lậu tràn lan trên thị trường, chiếm tới 25% thị phần. Với hơn 1 triệu người đang sử dụng TLĐT lậu, doanh thu thuế TTĐB năm 2023 của Thái Lan đã thất thoát 30% so với năm 2017. Do đó, Cục thuế TTĐB Thái Lan đã đề xuất hợp pháp hóa để áp thuế đối với TLTHM. Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội Thái Lan cũng đang đề xuất các giải pháp thay lệnh cấm bằng biện pháp quản lý nhằm gia tăng nguồn thu thuế và đảm bảo chất lượng nguồn cung, gián tiếp bảo vệ sức khỏe cho người hút thuốc, đồng thời tăng cường biện pháp ngăn chặn giới trẻ hữu hiệu.
Trong nước, thực tế không thể phủ nhận đó là hàng lậu chiếm 30% thị phần thuốc lá truyền thống. Theo đánh giá các chuyên gia, con số này là 100% đối với TLTHM nếu không được hợp pháp hóa cho đúng đối tượng.
Do vậy, xét từ khía cạnh y tế lẫn kinh tế, đề xuất cấm TLTHM cần được đánh giá thận trọng, nhất là khi Chính phủ đang rà soát lại nguồn thu thuế trong mọi ngành nghề. Kể cả khi thi hành lệnh cấm, chấp nhận thiệt hại kinh tế, việc bảo vệ sức khỏe người dùng cũng không có gì được đảm bảo, bởi chính hành vi tiêu dùng sẽ "tiếp tay" cho các nguồn hàng lậu, không được kiểm định chất lượng để tự đáp ứng nhu cầu. Nguy hại nhất vẫn là đối với thế hệ trẻ, khi thị trường chợ đen còn tồn tại sẽ không ngừng dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ đối tượng này.
Ngược lại, các chuyên gia cho rằng cần nghĩ đến giải pháp tổng hợp, đó là dùng thuế làm công cụ giảm tiêu thụ TLTHM, và tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Theo đó, việc hoạch định chính sách quản lý TLNN được khuyến nghị áp dụng như thuốc lá điếu hiện nay, bao gồm lộ trình tăng thuế, quy định về độ tuổi, chế tài… để giúp kiểm soát toàn diện mọi loại thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc như nhiều quốc gia thành công khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận