Tổng cục Thuế vừa có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.
Kiền nghị này dù được đánh giá sẽ giúp minh bạch thị trường, song theo các chuyên gia, còn nhiều điều cần bàn tới trước khi thực hiện nguyên tắc này.
Quản lý, thu nộp thuế tốt hơn
Đánh giá về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, hiện chúng ta cũng không kiểm soát được số lượng, giao dịch mua bán vàng trong dân là bao nhiêu.
Do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ rất tốt, thuận lợi cho các bên giúp công tác quản lý, thu nộp thuế, cũng như điều hành vĩ mô của nhà nước sẽ thuận tiện, minh bạch hơn. Khi đó, việc thu thuế sẽ công bằng, bình đẳng hơn giữa các đơn vị với nhau.
Tuy nhiên, ông Được cho biết, pháp luật thuế hiện nay chỉ quy định phải thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng đối với các tổ chức để được khấu trừ và tính vào chi phí, chưa có quy định với các giao dịch kinh doanh vàng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc, việc ban hành văn bản pháp luật sẽ phù hợp hơn.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng ủng hộ định hướng này và đánh giá cao vai trò của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong phòng, chống rửa tiền.
"Các cửa hàng kinh doanh vàng thường còn có hoạt động mua bán ngoại tệ, nhiều nơi là trái phép nên nếu áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ khó khăn. Những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn", ông Hiếu nói.
Không khả thi
Dù ưu điểm đã thấy rõ, tuy nhiên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nói thẳng "không khả thi".
Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thuế, đến nay cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc, ông Khánh cho rằng, bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh.
Vì thế, việc áp dụng sẽ thêm những phức tạp không cần thiết cho việc kinh doanh. Theo ông, người tiêu dùng sẽ phản ứng đầu tiên, chứ không phải doanh nghiệp. Nếu mua số lượng vàng lớn hay mua vàng miếng SJC thì có thể áp dụng; nhưng nếu chỉ mua nhỏ lẻ như vàng chỉ, vàng nữ trang sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ, không phải ai cũng có tài khoản, thẻ tín dụng.
Ông đặt vấn đề, trên thế giới, các nước chỉ khuyến khích bớt sử dụng tiền mặt, chứ chưa có quốc gia nào đưa quy định 100% mặt hàng nào đó không được mua bán bằng tiền mặt, vậy tại sao lại muốn lấy ngành vàng trong nước áp dụng?
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định, bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng không giải quyết được những nút thắt của thị trường hiện nay.
Tương tự, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, đây là đề xuất không thực tế. Bởi theo ông Ánh, việc cấm dùng tiền mặt trong mua bán vàng sẽ không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, cũng như nhập khẩu nguyên liệu, mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề này khi làm người mua, người bán lúng túng.
Việc cần làm hiện nay theo vị chuyên gia là phải sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Hiện, giá bán vàng miếng ở mức 85,1 triệu đồng/lượng, mua vào 83,6 triệu đồng/lượng. Mức giá kỷ lục từ trước đến nay ở ngưỡng 85,8 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm với mục đích kéo giảm chênh lệch giữa giá trong nước với quốc tế, tuy nhiên, kết quả ngược lại khi từ chỗ chênh gần 10 triệu đồng/lượng nay đã chênh lên hơn 14 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận