Nội dung này được đề cập trong Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm cải thiện quy trình tư vấn bảo hiểm của đại lý cá nhân và tổ chức.
Thông tư mới quy định ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Bộ Tài chính cũng bổ sung một loạt quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên tổ chức hoạt động đại lý. Hãng bảo hiểm cũng phải kịp thời phối hợp với tổ chức đại lý để kiểm tra, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm và xử lý vi phạm nếu có.
Tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu ba nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý; có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý.
Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để tư vấn, bán bảo hiểm. Khu vực này phải tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Để đảm bảo chất lượng của thị trường bảo hiểm, thông tư yêu cầu quá trình tư vấn, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên của đại lý tổ chức phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về sản phẩm, sử dụng tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp. Riêng đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu thêm phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm này.
Quy định này đưa ra sau một loạt lùm xùm liên quan đến việc ép mua bảo hiểm khi vay vốn tại các ngân hàng. Nếu không mua bảo hiểm thì không được giải ngân khoản vay, hoặc sẽ phải chịu lãi suất cho vay cao hơn.
Qua các đợt thanh, kiểm tra, Bộ Tài chính khẳng định bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm. Cụ thể, kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife cho thấy, có tới 32-73% hợp đồng bảo hiểm đã hủy ngay sau năm đầu tiên mua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận