Phương án tuyển sinh vào lớp 6 vẫn đang “rối như canh hẹ” |
Chủ trương cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 là nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, nhưng các bậc phụ huynh đang hoang mang khi các trường có số hồ sơ đăng ký lớn đưa ra đủ dạng khảo sát đầu vào, từ đo chỉ số IQ, EQ đến bài khảo sát năng lực theo kiểu... “Ai là triệu phú”.
“Mê hồn trận” phương án
Theo bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, trường dự kiến tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 thông qua bài test trong vòng 45 phút dưới dạng viết. Bài test tập trung đánh giá năng lực sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức của học sinh vào thực tế cuộc sống, để đánh giá năng lực trí tuệ của học sinh về ngôn ngữ, không gian hình ảnh; logic, sáng tạo; cơ thể và tri giác vận động, nội tâm...
Ngày 15/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã họp với các trường THCS có số lượng lớn hồ sơ đăng ký tuyển sinh để bàn về phương án tuyển sinh vào lớp 6. Trong cuộc họp này, các ý kiến đều thống nhất phương án sẽ xét tuyển hồ sơ của học sinh và dựa trên các bài test đánh giá năng lực toàn diện của trò. Hiện Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục hoàn thiện phương án tuyển sinh đến ngày 16/4. Đến 21/4, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ họp báo để công khai thông tin cho báo chí và người dân. |
Trường Marie Curie, trường THPT-THCS Nguyễn Tất Thành có phương án tuyển sinh lớp 6 thực hiện qua các bài trắc nghiệm IQ, EQ cùng xét kết quả học bạ. Học sinh sẽ thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ), trong đó, có 45 phút dành cho 60 câu IQ và 15 phút cho 30 câu EQ.
Trường THPT-THCS Lương Thế Vinh dự kiến dùng bài khảo sát có tính chất trắc nghiệm để kiểm tra nhận thức của các em học sinh về tất cả mọi lĩnh vực, gồm: Gia đình, xã hội, nhận biết, áp dụng, IQ... Bài khảo sát sẽ gồm 30 câu hỏi giống hệ thống câu hỏi ở chương trình “Ai là triệu phú”, vừa có trả lời trắc nghiệm, vừa có trả lời tự luận.
Riêng với trường THCS Cầu Giấy, dự kiến sẽ tuyển thẳng học sinh đạt giải Ba trở lên cấp thành phố; học sinh đạt giải tại các cuộc thi Olympic tiếng Anh, Toán qua mạng internet, Tin học cấp quận hoặc đạt huy chương cá nhân cấp thành phố các môn thể thao, văn nghệ, mỹ thuật do ngành GD&ĐT tổ chức... nếu còn thừa chỉ tiêu mới tiếp tục xét tuyển theo học bạ.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Có cậu con trai chuẩn bị vào lớp 6, chị Kim Khánh (ở Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) hoang mang trước phương án đo IQ, EQ, rồi dùng bài test năng lực sử dụng, vận dụng kiến thức của học sinh để tuyển sinh của các trường THCS. “Khi nghe lệnh cấm thi vào lớp 6, mình nghĩ thôi thế là mất công con ôn tập mấy năm trời. Nay lại “đẻ” ra vô số phương án lạ lùng này, rắc rối quá”, chị Khánh lo lắng.
Anh Hoàng Minh (ở Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) vốn khá tự tin với kiến thức của cô con gái đã được đầu tư học thêm từ năm lớp 3 ở Trung tâm Học mãi bức xúc: “Thay đổi thế này, có lẽ phải tìm lớp luyện test IQ, EQ cho con. Mà yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tế với trẻ ở tuổi tiểu học thì chưa thấy bao giờ”.
Chị Nguyên Anh (ở quận Cầu Giấy) cho hay, rối mù phương án tuyển sinh thế này thì chỉ tạo thêm cơ hội cho tiêu cực, chạy trường, chạy lớp phát sinh. “Trước đây còn có bài thi giấy trắng mực đen, giờ đo cái nọ, kiểm tra cái kia, lấy gì để làm căn cứ?” chị Nguyên Anh nghi vấn.
Ngay PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cũng nhìn nhận, độ chính xác xét tuyển của phương án khảo sát năng lực sẽ không cao, chưa kể dễ nảy sinh tiêu cực mà nằm ngoài khả năng giải quyết của nhà trường. Quan trọng hơn, việc xét tuyển không được chạm đến kiến thức các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ sẽ không đánh giá được năng lực thực sự của học sinh.
Theo Ths. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt, test IQ, EQ là một dạng đề thi còn khá mới mẻ với học sinh tiểu học. “Đây sẽ là một thách thức cực lớn với học sinh. Chưa tính đến kiến thức trong bài test, chỉ riêng việc tiếp cận với hình thức đề mới, học sinh sẽ có những lúng túng nhất định”, bà Lan Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận