Từ ngày 1/1, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.
Có thể nói, đây là những chính sách được người dân chú ý đặc biệt và có tác động trực tiếp tới đời sống xã hội. Cùng với việc đưa 13 điều cấm vào Luật Phòng chống tác hại rượu bia, nhiều mức xử phạt vi phạm giao thông được tăng nặng. Lần đầu tiên, người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600.000 đồng. Với tài xế ôtô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Mặc dù tạo được rất nhiều hiệu ứng tốt, đã có những kết quả khả quan từ những ngày đầu tiên, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí bức xúc với các quy định.
Để có được những góc nhìn toàn diện, khách quan nhất, cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc, tuyên truyền cách sử dụng rượu bia đúng cách và tham gia giao thông an toàn, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Những quy định mới trong phòng chống tác hại của rượu bia và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông”.
Các khách mời tham dự tọa đàm gồm: Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia; Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội; Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông, Bộ Giao thông vận tải; Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội; Bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thư ký dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia; Nhà báo Hoàng Minh Trí, Báo CAND; Anh Lê Hồng Tuân, một người tham gia giao thông, một facebooker.
Người điều phối chương trình: Nhà báo Nguyễn Hồng Nga - PTBT Báo Giao thông
TỶ LỆ SỬ DỤNG RƯỢU BIA THUỘC NHÓM CAO NHẤT THẾ GIỚI
Thưa bà Trần Thị Xuân Hằng, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đưa ra nhiều điểm mới, khắc phục được những hạn chế so với trước đây. Tại sao có những điều khoản phải cấm mặc dù khi được đưa vào luật đã gây nhiều tranh cãi?
Bà Trần Thị Xuân Hằng, Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Y tế: Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2020. Ngoài nội dung nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi lái xe, trong Luật có nhiều nội dung mới như quy định địa điểm không được uống rượu bia; Quy định cụ thể, kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo rượu bia; Kiểm soát hoạt động kinh doanh rượu bia, quy định cụ thể một số điều kiện kinh doanh rượu; Từ 1/1/2020 sẽ không được mở mới cơ sở kinh doanh rượu bia trong bán kính 100m từ cơ sở y tế, giáo dục...
Theo Luật mới, nước hoa quả lên men cũng thuộc phạm vi điều chỉnh. Những sản phẩm mà giới trẻ dùng nhiều như nước hoa quả lên men có nồng độ cồn tương đương lên men sẽ được xem như rượu bia.
Về cơ sở của đề xuất và ban hành Luật này, trước hết là xuất phát từ thực trạng sử dụng rượu bia. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu bia thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam là nước có tốc độ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%.
Rượu bia là nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh. Cùng đó là tác hại về kinh tế, xã hội. Riêng về giao thông, theo thống kê của WHO, 36,2% TNGT liên quan đến rượu bia trong những vụ do nam giới gây ra. Đó là chưa nói đến thiệt hại về xã hội, mối quan hệ xã hội, bạo lực gia đình… Thiệt hại mà rượu bia gây ra lên tới 1% GDP gần tương đương mức đóng góp của ngành kinh doanh rượu bia mang lại.
Xin bà cho biết cụ thể hơn về 13 điều cấm được quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia?
13 điều cấm tại Điều 5 của Luật không phải là mới nhưng đây là lần đầu tiên đưa lên ở mức cao hơn.
Ví dụ như quy định cấm bán rượu bia cho người 18 tuổi hay cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên cũng đã được quy định tại các Nghị định trước đây.
Khoản 6 điều 5 cũng quy định cấm điều khiển giao thông có nồng độ cồn trong máu. Luật GTĐB trước đây cũng chỉ cấm nồng độ cồn đối với ô tô, còn xe máy thì vẫn giới hạn 0,25mg/l khí thở….
"ĐẠO LUẬT MANG LẠI NIỀM VUI, HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI DÂN"
Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia khi trình Quốc hội đã gặp nhiều phản ứng và kết quả cuối cùng cũng rất bất ngờ. Ông có thể chia sẻ câu chuyện này cũng như sự cần thiết phải ban hành 1 Luật đủ mạnh để giảm tác hại của rượu bia?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Khi bàn về Luật Phòng chống tác hại rượu bia, không phải chỉ Chính phủ bị áp lực mà áp lực dồn về Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội là rất lớn.
Khi đưa dự thảo Luật ra Quốc hội, thì quy định khi tham gia giao thông không được uống rượu bia vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, vẫn 50/50.
Sau nhiều tranh luận, giải trình, thẩm tra, cuối cùng, chúng ta đã đưa quy định bắt buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được uống rượu bia và nội dung này đã được đưa vào khoản 7 Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Và khi đưa ra Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì nhận được sự đồng thuận rất cao.
Có 3 điều mà Uỷ ban chúng tôi đánh giá rất cao.
Thứ nhất, đó là sự ủng hộ rất lớn của các cơ quan bá chí. Không chỉ trong 9 ngày đầu tiên Luật có hiệu lực mà ngay từ khi cho ý kiến Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, tại phiên họp báo của chúng tôi, các phóng viên báo chí đã rất ủng hộ quy định cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không uống rượu bia.
Thứ hai, chúng tôi đánh giá Chính phủ và Bộ GTVT đã chuẩn bị và ban hành Nghị định 100 rất đúng thời điểm. Có ai đó nói mức phạt nặng nhưng về cơ bản đây là những chế tài cần có để Luật đi vào cuộc sống.
Thứ ba, ngay khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, lực lượng công an, CSGT trên toàn quốc vào cuộc rất quyết liệt. Có những người chống đối người thi hành công vụ rất gay gắt, nhưng công an đã rất kiên quyết.
Mừng nhất, 6 ngày sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, so với 6 ngày này năm trước, mỗi ngày chúng ta giảm 4 vụ TNGT có người chết.
Đến nay, tôi hoàn toàn tin tưởng đây là đạo luật mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân. Tại các cuộc liên hoan, mọi người tự nhắc nhau đã uống không lái xe. Đây là điều rất đáng mừng.
Thưa ông Hoàng Thế Tùng, ông có thể chia sẻ về những mức phạt đáng chú ý trong Nghị định 100?
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông, Bộ Giao thông vận tải:
Nghị định 100 tăng nặng mức phạt một số hành vi vi phạm, sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm.
Bổ sung một số hành vi như: dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy, bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi, nơi mở dải phân cách giữa...);
Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác vi phạm quy định về nồng độ cồn và quy định lộ trình thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Nghị định 100 đã điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông, trong đó tăng cao mức xử phạt đối với các hành vi, nhóm hành vi như vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc; nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ; tránh xe, vượt xe không đúng quy định, không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau ...
Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.
Xin hỏi Thiếu tá Đào Việt Long, người tham gia giao thông cần chú ý tới điều gì khi Nghị định 100 có nhiều mức phạt tăng nặng so với trước?
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội:
Nghị định 100 ra đời đã tạo dấu ấn, khiến ý thức của người tham gia giao thông tăng cao.
Cùng với mức phạt nặng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt 200 - 300 nghìn đồng, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông bị phạt 600 – 1 triệu đồng...
Xe ô tô đi sai làn đường, vượt đèn đỏ phạt 3 - 5 triệu đồng...
Những mức phạt này đều tăng nặng hơn rất nhiều so với trước đây.
Có ý kiến cho rằng, Luật Giao thông đường bộ chưa sửa đổi trong khi Nghị định 100 đã ban hành nhiều mức phạt tăng nặng các hành vi vi phạm nồng độ cồn, đi lùi xe trên cao tốc là trái luật?
Ông Hoàng Thế Tùng: Nhiều hành vi vi phạm trong Nghị định 100 đã được quy định trong các văn bản trước, lần này chỉ sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn.
Ngoài ra, Nghị định 100 cũng bổ sung một số hành vi phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh mức chế tài để giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao nhận thức của người dân.
Hiện nay, Luật GTĐB năm 2008 chưa quy định cấm hết các hành vi sử dụng rượu bia tham gia giao thông (tới đây sẽ được sửa đổi), nhưng Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa có hiệu lực đã quy định rõ việc này tại Điều 35 khoản 1.
Do đó, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực thi hành thì nghiễm nhiên Điều 8 khoản 8 cấm uống rượu bia tham gia giao thông có hiệu lực thi hành, trên cơ sở đó, Nghị định 100 đã bổ sung đối tượng, quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn với mô tô, xe thô sơ.
Trong nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông rất rộng, liên quan đến nhiều luật khác không chỉ Luật Giao thông đường bộ mà còn có các Luật Quảng cáo, Xây dựng, CAND và các luật công ước, quốc tế khác.
Ví dụ Luật GTĐB chưa bắt buộc người ngồi hàng ghế sau phải thắt dây an toàn nhưng chúng ta đã tham gia Công ước Viên từ năm 2014, trong Công ước viên có 1 số nội dung như người ngồi trong ô tô phải thắt dây an toàn và không được sử dụng điện thoại vì vậy quy định này chưa có trong Luật Giao thông đường bộ 2008 mà đã đưa vào Nghị định 46 và bây giờ được thay thế bằng Nghị định 100.
Thưa ông Khuất Việt Hùng, Nghị định 100 ra đời đã tác động rất lớn đến đa số người tham gia giao thông. Các điều khoản của Nghị định mới tăng nặng mức xử phạt vừa ban hành lập tức có hiệu lực không giống các Nghị định khác thường có hiệu lực sau 45 ngày ban hành. Nhiều người cho rằng việc này đã hạn chế quyền tiếp cận của người dân trước khi đi vào cuộc sống, thậm chí có người còn cho rằng đây là một cú "đánh úp" của các nhà làm luật. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:
Phải xác định tại sao khi trình đề xuất sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 46, các cơ quan của Chính phủ thống nhất xây dựng theo hình thức rút gọn. Vì đây không phải là văn bản mới mà là văn bản sửa đổi bổ sung văn bản đã được thực hiện nhiều năm trước đây, đồng thời liên quan đến việc bảo đảm sinh mạng cho người dân. Xây dựng theo hình thức rút gọn sẽ tiết kiệm được thời gian.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực 1/1/2020 thì ta phải có văn bản hướng dẫn kịp thời. Văn bản có độ sẵn sàng nhất là Nghị định 100.
Thực tế, những nội dung này chỉ có 2 điểm mới, thêm đối tượng (nghiêm cấm điều khiển phương tiện với xe máy và xe thô sơ có nồng độ cồn trong máu) và nâng chế tài lên. Còn những điều cấm của Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được truyền thông từ rất lâu và khẳng định mốc có hiệu lực ngày 1/1/2020.
Việc trao đổi lấy ý kiến các cơ quan, tiếp thu lấy ý kiến của dư luận xã hội đã được triển khai. Hồi tháng 5, tháng 6, khi có những vụ TNGT do người có nồng độ cồn gây nên, nhiều người nhắn tin cho tôi hỏi sao chế tài nhẹ thế? Dư luận lúc đấy đòi hỏi phải phạt tù, phải xử thật nặng những ma men lái xe, vì rượu vào lái xe có thể tước đoạt đi sinh mạng của người khác.
Việc đưa Nghị định này vào thực thi thể hiện quyết tâm lớn của Quốc hội, của Chính phủ và được người dân đồng thuận.
Thực sự, mới chỉ 7 ngày, đi đến đâu người dân cũng đã nhớ được quy định.
Muốn luật đi vào đời sống, có nhiều cách.
Như quy định bắt buộc đổi mũ bảo hiểm. Năm 2007, mới quy định đi trên quốc lộ nếu không đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt. Quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết 32, dư luận rất nóng, người ta đả kích, phản ứng chủ trương này ở khắp nơi. Báo chí cũng không ủng hộ. Nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện. 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã giảm được 15 nghìn sinh mạng, giảm được 500 nghìn vụ chấn thương đầu, tiết kiệm cho nền kinh tế 3,5 tỷ USD.
Điều này cho thấy nếu Chính phủ, các bộ ngành quyết tâm thực hiện thì sẽ thành công.
VÌ SAO PHẢI CẤM TUYỆT ĐỐI UỐNG RƯỢU BIA LÁI XE?
Xin hỏi anh Lê Hồng Tuân, dư luận mạng xã hội có rất nhiều ý kiến: người phản đối, người ủng hộ, người lại băn khoăn. Anh đứng về phía nào?
Anh Lê Hồng Tuân: Tôi không đứng hẳn về phía nào. Tuy nhiên là người tham gia và theo dõi mạng xã hội tôi cũng nhận thấy có những băn khoăn.
Thực tế ai cũng thấy rõ tác hại của rượu - bia nhưng nhiều người rất băn khoăn. Chẳng hạn như việc ăn hoa quả hay chỉ ăn một chút giấm bỗng cũng có thể có nồng độ cồn và bị phạt.
Tôi nghĩ Luật làm ra phải có tính dự báo để phù hợp với thực tế, đi vào cuộc sống chứ để người dân phàn nàn việc ăn hoa quả, giấm bỗng cũng có thể bị thổi phạt và dẫn đến cự cãi CSGT thì không hay.
Vì sao luật lại đưa ra mức quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô là 0 chứ không phải con số khác?
Bà Trần Thị Xuân Hằng:
Trong quá trình xây dựng Luật, ban soạn thảo đã tham khảo quy định quốc tế. Có 2 phương án cân nhắc là giữ nguyên như Luật GTĐB và phương án cấm tuyệt đối. Có hơn 30 nước cấm sử dụng rượu bia hoàn toàn, có thể cấm toàn bộ các nhóm, cấm với lái xe chuyên nghiệp hoặc chỉ cấm với người dưới 21 tuổi…
Khi Chính phủ trình phương án, nhiều ĐBQH lựa chọn phương án nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Riêng nội dung này đã phải bỏ phiếu 2 lần để đi đến thống nhất.
Lần đầu nhiều người cũng băn khoăn có nên cấm tuyệt đối không? có thực thi được không? Nhưng lấy ý kiến lần 2 thì đa số ủng hộ. Đây cũng là trường hợp rất đặc biệt, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua, chính các đại biểu tại hội trường đã 2 lần vỗ tay rất lớn, chứng tỏ sự quyết tâm rất cao, thay đổi quan điểm cũ.
Việc đưa ra quy định này hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam trong thời gian qua.
CHƯA AI BỊ PHẠT MÀ PHẢN ỨNG "TÔI ĂN HOA QUẢ"
Chúng tôi vẫn muốn nghe câu trả lời khác từ lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ để giải đáp thắc mắc của người dân về việc ăn hoa quả cũng có nồng độ cồn, thưa Thiếu tá Đào Việt Long?
Thiếu tá Đào Việt Long: Khi CSGT ra quân xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, trong 7 ngày đã xử lý 84 trường hợp, 18 trường hợp xử phạt kịch khung.
Hiện tại, toàn địa bàn thành phố Hà Nội chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng "tôi uống siro" hay "ăn hoa quả".
Chúng tôi có quan sát, theo dõi phản ứng của người dân, chúng tôi thấy các bạn mới đưa ra ví dụ như thế chứ trong thực tế không có.
Không chỉ với hành vi uống rượu bia mà với hành vi khác, khi bị xử lý, công dân có quyền khiếu nại, giải trình hành vi của mình với CSGT. Tôi thấy nhiều người hỏi làm thế nào để chứng minh là có uống rượu bia hay không, rồi liệu có trường hợp chở nhiều người uống rượu trong xe ô tô khiến người lái cũng lây nồng độ cồn?
Tôi phải khẳng định là chính các bạn là người biết rõ nhất mình có uống rượu bia hay không?
Nếu bạn chấp hành nghiêm tất cả quy định của Luật thì lực lượng chức năng sẽ không bao giờ xử lý bạn.
Với câu hỏi của nhiều độc giả về việc người tham gia giao thông có được phép yêu cầu thổi lại để chứng minh mình không vi phạm hay không, tôi xin trả lời là người dân hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ 2 nếu có yêu cầu và muốn chứng minh "tôi không uống rượu bia".
RƯỢU BIA HỦY HOẠI SỨC KHỎE, HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Xin hỏi anh Hoàng Minh Trí có đồng ý với những ý kiến giải thích của Thiếu tá Đào Việt Long hay không?
Nhà báo Hoàng Minh Trí:
Trước hết, tôi muốn có đôi lời chia sẻ, bố tôi là người nghiện rượu nặng, không có rượu buổi sáng chân tay ông run rẩy, toát mồ hôi. Tôi tự răn dạy mình không được giống như thế. Nhưng đặc thù công việc, rồi cả nể, tôi vẫn uống rất nhiều. Uống đến đau dạ dày.
Sau khi có Nghị định này, tôi đã dừng lại suy nghĩ. Hôm nay mùng 9, từ ngày mùng 1 đến nay, tôi chấp hành đi taxi về sau khi uống rượu bia và từ hôm mùng 4 đến giờ, tôi chưa hề lấy xe về.
Luật ra, tôi đã điều chỉnh hành vi của mình, bớt uống và thấy thay đổi rất nhiều, tỉnh táo hơn. 7h tối đi về nhà, chơi với con và thấy mình đã lãng phí 5 năm qua trong bia rượu. Tôi đã bỏ ra 7 triệu đồng tự mua 1 máy đo nồng độ cồn để tự kiểm duyệt mình.
Cá nhân tôi là 1 nhà báo, tôi rất ủng hộ Nghị định 100 và chia sẻ những câu chuyện cá nhân trên báo chí, từ một người đã sống trong một môi trường bia rượu, có một người bố nghiện rượu như thế, giờ tôi thấy, rượu bia không chỉ hại sức khoẻ bản thân, nguy hiểm khi tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Tôi đã bị một vết sẹo trên mặt vì say rượu, và tôi không tẩy vết sẹo đó để soi gương hàng ngày, nhắc mình không lạm dụng rượu bia.
Tôi ủng hộ mức phạt rượu bia ở mức số 0 này, bởi phải rất nghiêm khắc thì mới có thể khả thi.
Bản thân người Việt Nam mình dễ nhờn luật, nếu không xử phạt ở mốc 0 này, thì vẫn có thể cả nể uống một chút, rồi một chút nữa, sau đó thì không biết đâu là điểm dừng.
Ông Lê Hồng Tuân: Thực ra tôi rất chia sẻ với các ý kiến ở đây, nhưng tôi cho rằng vẫn nên để một ngưỡng nào đó thì mới xử phạt, như vậy sẽ công bằng hơn với những người sử dụng thực phẩm nào đó vô tình có nồng độ cồn.
Xin được hỏi mức phạt được áp dụng ngay khi nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt qua con số 0 được đưa ra dựa trên những yếu tố nào, thưa bà Trần Thị Xuân Hằng?
Bà Trần Thị Xuân Hằng: Để mức 0,25mg/lít khí thở, người tham gia giao thông cũng không biết uống bao nhiêu thì dưới 0,25?
Khi xây dựng Luật, chúng tôi nhận nhiều ý kiến của các bên với nhiều phương án. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi lựa chọn 2 phương án, thứ nhất là giữ như Luật GTĐB và về mức 0 như hiện nay, với người lái ô tô, quy định này không hề mới.
Tại Việt Nam, TNGT đã quá bức xúc, mức độ sử dụng rượu bia cũng rất lớn. Do đó, đưa ra mức nghiêm khắc nhất, đảm bảo sự cảnh tỉnh cao nhất là cần thiết.
Nhưng Bộ Y tế cũng cần có trách nhiệm hướng dẫn người dân để họ không vô tình phạm luật khi họ ăn thực phẩm, hoa quả có cồn. Bộ Y tế có khuyến cáo gì với người dân?
Bà Trần Thị Xuân Hằng: Bộ Y tế đã chia sẻ rất nhiều về nội dung này. Theo các chuyên gia về y tế, lượng cồn trong hoa quả như sầu riêng và vải rất ít, khi ăn xong thì không còn trong hơi thở nữa.
Nếu sử dụng số lượng lớn, đến mức vượt qua mức 0, chuyên gia khuyên sau 15 - 20 phút hãy điều khiển phương tiện giao thông. Còn nếu bị thổi nồng độ cồn, như anh Long nói, có thể yêu cầu thổi lại lần 2, sau 15 phút.
Về câu hỏi sau uống rượu bao lâu có thể tham gia giao thông, tôi không phải là chuyên gia y tế nhưng giới chuyên môn cho biết mức độ đào thải cồn ra khỏi cơ thể thì tuỳ từng người. Mức chung với nam giới khoảng 2 - 3 giờ để đào thải 1 đơn vị cồn. Với nữ giới khoảng 3 - 4 giờ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mức khuyến cáo.
Trên cơ sở đó, người dân có thể tính toán tương đối trước khi quyết định tham gia giao thông.
CẦN MỘT LIỆU PHÁP "SỐC", ĐỦ SỨC RĂN ĐE
Có độc giả cho rằng, nên quy định ngưỡng nồng độ cho phép thì mới xử phạt. Như vậy, sẽ giải quyết được những rắc rối xoay quanh việc ăn uống những trái cây, thức ăn có thể tạo cồn. Thiếu tá Đào Việt Long có ý kiến như thế nào về lập luận này?
Thiếu tá Đào Việt Long: Tôi phụ trách mảng tuyên truyền, điều tra tai nạn, qua nhiều vụ TNGT thì có thể thấy nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia không kiểm soát hành vi của mình.
Thực tế, không phải ai cũng biết 1 lon bia thì có bao nhiêu đơn vị cồn. Cũng chưa có tiêu chuẩn nào về việc uống 1 ly thì bao nhiêu nồng độ cồn. Chúng ta chưa kiểm soát được rượu người dân tự nấu. Dịp cuối năm, nhà nào cũng tự nấu, chưa đơn vị nào quản lý xem nồng độ cồn là bao nhiêu và rất khó để ước lượng uống bao nhiêu rượu thì vi phạm mức bị thổi phạt.
Tôi đồng ý quan điểm giữ mức 0 như hiện nay.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 ra đời là hoàn toàn phù hợp.
Trong 7 ngày, riêng ở Hà Nội đã giảm được 11 vụ TNGT, 9 người chết. Lần đầu tiên trong 10 năm, tuần đầu tiên của năm mới giảm được như vậy. Đây là điều tuyệt vời.
Nghị định 100 và Luật Phòng chống tác hại rượu bia có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng đây cũng là điều đáng mừng vì mọi người đã quan tâm đến nó.
Với những người chưa hiểu, chưa đồng thuận thì rất cần những diễn đàn như buổi tọa đàm hôm nay để các cơ quan chức năng giải đáp, cung cấp thêm thông tin...
Ông Khuất Việt Hùng: Anh Long nói rất hay, không phải ai cũng biết uống 2/3 lon bia là 1 đơn vị cồn hoặc tương đương có 0,25mg cồn/l khí thở…
Mọi người ở đây đều hiểu, có ai mở lon bia uống 2/3 không? Và đã uống thì không thể biết được lúc nào dừng. Báo đăng, khi Luật có hiệu lực, một người được phân công đến đón người nhậu về cho an toàn, nhưng đến nơi lại uống 2 ly và chính người này bị phạt 17 triệu. Đó là một ví dụ cho thấy, nếu không xác định đã uống rượu bia không lái xe, nếu cho một ngưỡng nào đó thì hiệu quả có thể là bằng 0.
Và xin thông tin thêm là quy định mức cồn tuyệt đối cấm khi lái ô tô đã thực hiện được 10 năm. Số liệu từ Cục CSGT cho thấy chưa ai khiếu nại vì bị phạt cả.
Với tình trạng lạm dụng rượu bia kinh khủng như ở Việt Nam, với văn hoá uống hiện nay thì rất cần một liệu pháp sốc, cần quy định đủ sức răn đe.
Người Việt Nam vốn duy tình. Ép nhau uống vì rất nhiều lý do.
10 năm thực hiện với ô tô, chúng ta đã đủ kinh nghiệm để thấy, chưa có một con số thống kê tin cậy nào ở nước ngoài, công bố ở quốc gia có quy định cấm tuyệt đối nào thống kê nào có người ăn hoa quả xong rồi bị phạt. Những chuyên gia về dinh dưỡng có trao đổi với tôi cho biết cồn tạo ra bởi trái cây sẽ đào thải rất nhanh, tồn tại trong vòm họng là chính, thì khi lấy khí ở đáy phổi hầu như không có. Và như vậy tỷ lệ ăn hoa quả uống si rô xong bị phạt là hầu như không có.
Tôi lấy ví dụ thế này, tại sao phải bắt buộc đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm dù những người đi xe đó chưa chắc bị ngã, ngã chưa chắc đập đầu. Nhưng vì an toàn phải quy định. Tôi muốn nói, đây là vấn đề phòng tránh và bảo vệ sinh mạng cho con người.
Luật GTĐB năm 2008 đã quy định nồng độ cồn với lái xe ô tô bằng 0. Như ở Nga, từ năm 2013 là cấm tuyệt đối. Người ta cho rằng đây là quy định cứu sống hàng chục nghìn người Nga.
Tôi rất mong, chúng ta chia sẻ. Đây là cơ hội tuyệt vời để mọi công dân nhận thức rõ ràng: Đã lái, không uống.
Điều này sẽ giúp giảm thiểu đối tượng vi phạm khi tham gia giao thông. Người ta nhìn vào chế tài, vào quy định để biết sợ.
KÊU GỌI MỌI NGƯỜI DÂN ỦNG HỘ
Từ góc độ của cơ quan làm luật, ông Bùi Sỹ Lợi có nhìn nhận gì về tính khả thi của quy định này? Có nên sửa đổi quy định về nồng độ cồn trong máu đến ngưỡng nào đó mới bị phạt hay không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng tôi cho rằng quy định như hiện nay là phù hợp.
Lúc đầu, đưa ra phương án có tỷ lệ nồng độ cồn nhất định mới phạt. Nhưng khi bàn đến vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng phải cấm tuyệt đối. Bởi trong lúc các đại biểu đang bàn về Luật này thì ngoài đường xảy ra rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng có liên quan đến rượu bia, rất đau lòng.
Nhiều người nói nếu Quốc hội không quy định cấm tuyệt đối rượu bia khi điều khiển phương tiện là không cứu nhân dân! Có người chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội là sáng ra khỏi nhà đi làm mà không biết tối có về an toàn hay không? Những người uống rượu lái xe đã gây ra những tai nạn rất đau lòng, cướp đi sinh mạng của người khác, cần phải có chế tài đủ mạnh để chấm dứt điều này.
Về mức xử phạt, cũng có ý kiến phản đối nhưng rất ít. Vậy thì, chúng ta phải lấy số đông, lấy cái sống còn của con người để ra làm luật.
Còn các nghị định để thi hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia, thì ngoài Nghị định 100, phải có thêm các nghị định khác xử lý các vấn đề về cung, cầu…, mua bán, quảng cáo rượu bia. Chúng ta còn tiếp tục làm để Luật phát huy hiệu quả.
Tôi xin lưu ý, hình phạt mà chúng ta nói đến từ đầu tọa đàm đến giờ chỉ là hình thức, quan trọng chúng ta phải giải thích cho người dân tác hại của rượu bia nó sẽ tàn phá sức khoẻ con người như thế nào.
Câu chuyện mà anh Trí đưa ra là một điển hình. Một người bạn tôi đang nằm viện cũng nói sai lầm khi uống quá mức. Rượu đã phá hủy sức khỏe, tàn phá các cơ quan nội tạng của con người. Chúng ta phải kêu gọi mọi người dân ủng hộ quy định này giống như chúng ta đã quy định cấm pháo, bắt buộc đội MBH tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy…
Trong 9 ngày qua, 99% người dân phản ánh đến Quốc hội hoan nghênh Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100. Chúng tôi kêu gọi nhân dân ủng hộ chính sách này của Đảng và Nhà nước.
các bạn hãy nhớ, nếu chúng ta không ủng hộ, cho phép uống rượu lái xe, thì rủi ro tai nạn biết đâu rơi đúng vào bản thân mình?
Chúng tôi đề nghị Uỷ ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT, Bộ Y tế đồng thuận chuyển tải quy định này đến người dân.
Bộ Y tế sớm ban hành khuyến cáo tác hại rượu bia đến sức khoẻ con người, ngành Công an phải duy trì xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, đừng “đánh trống bỏ dùi".
Chúng ta cùng vào cuộc thực hiện cho tốt các quy định pháp luật này để đem lại sức khoẻ cho nhân dân.
KIỂM TRA CHÉO ĐỂ TRÁNH TIÊU CỰC TRONG THI HÀNH NHIỆM VỤ
Thưa Thiếu tá Đào Việt Long, khi chế tài xử phạt vi phạm về nồng độ cồn tăng nặng mức phạt mà thiếu sự tham gia của lực lượng phóng viên như những ngày vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng sẽ phát sinh tiêu cực? Làm cách nào giám sát lực lượng thực thi nhiệm vụ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bỏ qua lỗi vi phạm?
Thiếu tá Đào Việt Long: Thời gian qua, lực lượng CSGT Hà Nội tổ chức kiểm tra giám sát theo các chuyên đề, được các cấp lãnh đạo phê duyệt.
Ngoài lực lượng đi làm nhiệm vụ, chúng tôi luôn có tổ kiểm tra chéo đối với tổ công tác. Hiện chúng ta cũng đã có Thông tư 67 quy định về thực hiện dân chủ trong đảm bảo TTAGT, trong đó quy định rõ minh bạch quyền và nghĩa vụ giám sát của công dân. Hiện Hà Nội có hệ thống camera ở các tuyến đường, không chỉ quan sát người tham gia giao thông mà cả người xử lý vi phạm, giám sát lực lượng chức năng. Với các tổ tuần tra lưu động chúng tôi cũng trang bị camera ghi hình để làm bằng chứng, để phục vụ công tác kiểm tra.
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn liệu có lắng xuống sau đợt cao điểm này không?
Thiếu tá Đào Việt Long: Xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ không chỉ làm theo các đợt cao điểm mà được thực hiện thường xuyên.
Đối với xử lý vi phạm nồng độ cồn, khi người dân yêu cầu lực lượng chức năng cho xem lại camera có được đáp ứng không, thưa Thiếu tá?
Thiếu tá Đào Việt Long: Với tất cả hành vi bị xử lý, người dân đều có quyền khiếu nại. Khi đó, chúng tôi sẽ mời người khiếu nại đến làm việc, cung cấp hình ảnh… Nếu phát hiện có sai sót của người thực thi công vụ thì sẽ xử lý nghiêm.
Mới có 10 ngày thực hiện quy định tăng nặng mức phạt về nồng độ cồn, trên mạng xã hội xuất hiện những “bí kíp” qua mặt lực lượng thực thi nhiệm vụ. Thiếu tá có ý kiến gì về điều này?
Thiếu tá Đào Việt Long: Nghị định 100 và Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã tạo ra "cú sốc" cho nhiều người, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
9 ngày qua, tại Hà Nội, chúng tôi không gặp trường hợp nào chống đối gay gắt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có kế hoạch, chiến thuật với trường hợp chống đối để đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông, người thực thi công vụ…
Với hành vi chống đối hoặc không chấp hành xử phạt của lực lượng chức năng thì đã có đầy đủ các quy định.
Nếu người vi phạm cố thủ trong xe, chúng tôi sẽ vận động quần chúng, xác minh nóng phương tiện, chủ xe và huy động chính quyền địa phương liên hệ với gia đình, người thân…Có rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý.
Thiếu tá có thể bật mí kế hoạch tác chiến của Phòng CSGT Công an Hà Nội thời gian tới? Lực lượng phóng viên báo chí có tiếp tục được mời tham gia giám sát hay không. Được biết hiện nay, người vi phạm cũng rất ngại việc bị “lộ diện” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí có người còn cho rằng sợ bị bêu tên trên mạng xã hội hơn là bị xử phạt?
Thiếu tá Đào Việt Long: Bất cứ một chuyên đề, kế hoạch nào của Phòng đều được thông tin trên phương tiện truyền thông, cổng thông tin, fanpage để chuyển tải tới quần chúng nhân dân.
Chúng tôi cho rằng có báo chí tham gia là rất tốt và cảm ơn các cơ quan báo chí đã cùng chung tay để người dân nâng cao nhận thức tuân thủ Luật Giao thông.
Tôi muốn gửi đến người tham gia giao thông một thông điệp: Không có máy đo nồng độ cồn nào chính xác bằng bộ não của các bạn. Khi tham gia giao thông, chính bạn phải có trách nhiệm với mình và người khác. Đừng lái xe sau khi uống rượu bia.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định những chế tài đặc biệt với cán bộ công chức, quân nhân uống rượu bia lái xe, trong giờ làm việc hoặc giờ nghỉ trưa nhưng quá trình thực hiện chưa xác định và xử phạt được đối tượng này. Vậy có cách nào nâng cao tính nêu gương của các đối tượng này không, thưa ông Khuất Việt Hùng?
Ông Khuất Việt Hùng: Luật Phòng chống tác hại rượu bia có quy định chế tài đặc biệt với cán bộ công chức, viên chức và quân nhân. Trước tiên phải khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nghị định 46 hay hiện tại là Nghị định 100 không phân biệt, ai vi phạm sẽ xử lý như nhau.
Tuy nhiên, nếu vi phạm thì các đối tượng này sẽ phải chịu chế tài trong các văn bản pháp luật liên quan. Ví dụ như cán bộ Nhà nước nếu vi phạm, bị xử lý theo Luật Công chức, viên chức. Có cán bộ cao cấp, sỹ quan cao cấp cũng bị đưa ra toà và xử tù nếu vi phạm pháp luật của nhà nước.
Trước đây, khi chưa có Luật này đã có chỉ đạo rất mạnh từ các cấp uỷ, chính quyền trong việc nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Giờ có Luật, có Nghị định thì càng nghiêm minh hơn.
Xin cảm ơn ông và các khách mời đã tham dự tọa đàm ngày hôm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận