Xã hội

Cấm tuyệt đối uống rượu bia lái xe từ 1/1/2020

04/07/2019, 16:56

Từ 1/1/2020, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn là vi phạm pháp luật.

img
Thứ trưởng Trương Quốc Cường báo cáo một số nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết việc xây dựng, ban hành luật này là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020, gồm 7 chương 36 điều.

Điểm đáng chú ý nhất là Luật đã bổ sung quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn (tức là đã uống rượu bia thì không được lái xe).

Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã quy định lái xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường thì tuyệt đối không được uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở không được có nồng độ cồn).

Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép - nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, một trong những điểm mới của Luật này là cấm uống rượu, bia với người điều khiển xe máy (còn với tài xế ôtô thì Luật hiện hành đã cấm).

Đáng chú ý, luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, luật nêu rõ những nơi không được uống rượu, bia, gồm 7 địa điểm là các địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đển chất lượng lao động…

Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia.

Tuy nhiên, việc này có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.