Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, cấm xe máy là bảo đảm sự đi lại cho nhân dân - (Ảnh minh họa) |
Tại Hội thảo xây dựng Kế hoạch tổng thể an toàn giao thông cho Hà Nội do Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Cơ sở hạ tầng, Đất đai và Giao thông Hàn Quốc tổ chức hôm nay (21/6), ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, cấm xe máy không phải là hạn chế sự đi lại, mà chính là đảm bảo sự đi lại tốt hơn của người dân.
Chia sẻ về các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông, ông Viện cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới hạn chế sử dụng xe máy. Đến thời điểm năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội đô.
"Dù chúng ta tập trung nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng đường bộ mới tăng được 3,8%/năm, đất dành cho giao thông mới chiếm 0,26%. Trong khi đó, tốc độ phát triển phương tiện cá nhân đối với ô tô trên 10%, xe máy 6,7%. Lượng ô tô trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 500 nghìn xe và xe máy trên 5 triệu chiếc. Điều này khiến ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Nếu cứ để phương tiện cá nhân phát triển tự nhiên, mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng với tốc độ phát triển phương tiện ngày càng trầm trọng", ông Viện lý giải.
Cũng theo ông Viện, qua khảo sát của các tổ chức môi trường quốc tế, riêng 3 tháng đầu năm 2017, có tới 47 ngày có tình trạng ô nhiễm môi trường cao vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Lý do chính xuất phát từ phương tiện giao thông quá cao. "Phải giảm phương tiện cá nhân để chống ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố. Đây không phải là hạn chế sự đi lại của người dân mà chính là đảm bảo sự đi lại của nhân dân. Nếu cứ phát triển tự nhiên, đến lúc người dân không có đường mà đi", ông Viện một lần nữa khẳng định.
Đề cập đến phương tiện thay thế khi cấm xe máy, ông Viện cho rằng, cũng như các nước khác trên thế giới đều phải phát triển giao thông công cộng. Để người dân có thể tiếp cận với vận tải hành khách công cộng, Hà Nội đặt ra tiêu chí 80% nhà chờ xe buýt ở trong nội đô phải đảm bảo tiêu chí khoảng cách dưới 500m. 20% còn lại kết nối bằng 3 hình thức là đi bộ, xe đạp và kết nối bằng xe taxi.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại Hội thảo |
Chia sẻ về kinh nghiệm đảm bảo ATGT của thành phố Seoul (Hàn Quốc), ông Changhwan, Viện giao thông Hàn Quốc cho biết, thành phố Seoul đã từng gặp nhiều vấn đề giao thông mà Hà Nội đang gặp phải hiện nay. Từ năm 1989, Seoul có tỷ lệ gia tăng phương tiện xe cơ giới cao, đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cho TNGT cũng ở mức tương ứng. Trước thực trạng này, chính quyền Seoul đã đưa ra nhiều chính sách và các giải pháp cụ thể tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng khung pháp lý đảm bảo ATGT.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia của các tổ chức, nhóm nghiên cứu gồm các thành viên Viện nghiên cứu giao thông Hàn Quốc (KOTI), Viện Công nghệ xây dựng và kỹ thuật công trình Hàn Quốc (KICT) và Công ty Kunhwa cũng nêu nhiều kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc kéo giảm thương vong cho trẻ em; kế hoạch tổng thể đảm bảo ATGT của thành phố Seul và chiến lược cải thiện môi trường ATGT Hà Nội; giới thiệu dự án cải thiện ATGT đường bộ tại Hàn Quốc và định hướng cải thiện môi trường đường bộ cho Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, những giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành về công tác đảm bảo ATGT có thể đi vào thực tiễn thì vai trò của UBND, Ban ATGT, lực lượng chức năng của các tỉnh thành phố là rất quan trọng. “Nếu chúng ta thành công trong dự án này, có thể xây dựng mô hình kế hoạch ATGT cấp tỉnh trong giai đoạn trung hạn. Kế hoạch này đặc biệt gắn bó với quá trình xây dựng là thực tiễn về công tác quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Khi hoàn thành, trình UBND TP.Hà Nội và đặc biệt là thông qua sự tham mưu của Sở GTVT, chúng tôi rất mong sẽ được UBND TP.Hà Nội tiếp nhận và tổ chức triển khai trong thực tế. Từ kết quả này sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác”, ông Hùng nói.
Xem thêm Video
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận