Trụ sở của Toà án Hình sự Quốc tế tại The Hague |
Ngày 16/9, theo The Diplomat, Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague đạt được bước chuyển đổi chính sách đáng kể trong tiến trình khởi kiện của nội bộ ICC về chọn lựa và ưu tiên vụ kiện. Kể từ khi hoạt động 14 năm trước, ICC chỉ tập trung vào các tội hình sự liên quan tới xung đột vũ trang như tội ác chống lại nhân loại cùng các tội ác chiến tranh khác.
Song, với những tội ác vì lợi nhuận xảy ra trong thời bình, ICC không xét xử. Nay, ICC thay đổi trong chính sách, cho phép mở rộng điều tra thêm các tội ác vi phạm hoặc hệ quả để lại khiến môi trường bị phá huỷ, khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên hoặc chiếm đoạt đất đai.
Bà Gillian Caldwell, Giám đốc điều hành Tổ chức Nhân chứng toàn cầu cho biết quyết định thay đổi trên cho thấy thời kỳ ngang nhiên chiếm đoạt đất đai, huỷ hoại môi trường được chấp nhận như phương cách làm kinh doanh đã chấm dứt.
“Các lãnh đạo công ty, chính trị gia vi phạm việc chiếm đoạt đất đai, phá hoại rừng nhiệt đới hoặc làm nhiễm độc nguồn nước sẽ sớm phải hầu toà quốc tế tại The Hague cũng như những tội phạm và kẻ độc tài khác” – bà Caldwell nói.
Hai năm trước, rất nhiều luật sư đã đâm đơn kiện hình sự chống lại quan chức Campuchia lên ICC; Cáo buộc các tội danh chống lại loài người của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thu hồi đất.
Vụ việc này được cho là phép thử mà các nhóm nhân quyền hy vọng sẽ tạo thành tiền lệ pháp lý cho những vụ xét xử các “ông trùm chiếm đoạt đất đai” trên khắp thế giới.
Luật sư tại Global Diligence LLP, đại diện cho 10 nạn nhân nộp đơn kiện lên ICC cho biết, có khoảng 777.000 người Campuchia bị lạm dụng thu giữ đất đai. Riêng tại Phnom Penh, đã có tới 145.000 người (tương đương 1% dân số) bị buộc phải chuyển nhượng đất đai tính tới năm 2012. Theo thay đổi mới ICC, chừng này là đủ cấu thành tội danh cưỡng ép chuyển nhượng đất đai.
Đánh giá ban đầu về khả năng mở cuộc điều tra sơ bộ thông qua Văn phòng Công tố của ICC dự kiến sẽ được thực hiện trong 3 đến 6 tháng tới. Nếu được thông qua, Văn phòng Công tố của ICC sẽ đưa đội điều tra tới Campuchia.
Đáng lẽ, sau đó việc trì hoãn pháp lý sẽ rất dài, nhưng tuần trước, các luật sư đã thúc đẩy tiến trình pháp lý, thông báo kế hoạch đưa thêm vụ ám sát nhà phân tích độc lập Kem Ley vào vụ kiện Campuchia trên để Toà án hình sự quốc tế cân nhắc.
Ông Kem Ley bị bắn chết khi đang uống cafe tại cửa hàng tiện lợi thuộc một trạm xăng ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 10/7 vừa rồi. Kem Ley vốn chỉ trích cả chính phủ Campuchia và các đảng đối lập nhưng chủ yếu là nhằm vào đảng cầm quyền của Thủ tướng Hunsen. Ông ủng hộ một kỷ nguyên chính trị trong sạch tại Campuchia, dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2018.
Trước đó, khoảng 29 người ủng hộ và thành viên Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) bị điều tra trong đó 14 người bị bắt giam. Thủ lĩnh CNRP Sam Rainsy đang lưu vong.
“Chính sách mới của ICC sẽ mở ra cánh cửa để Công tố viên quốc tế có quyền điều tra vụ kiện Campuchia” – người phát ngôn Nhân chứng Toàn cầu Alice Harrision cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận