Tàu hỏa tre được sử dụng tại Campuchia để tận dụng hệ thống đường ray bỏ không |
Huyền thoại tàu hỏa bằng… tre
“Động cơ “khục khặc” hai lần, gầm lên và máy nổ rền. “Bác tài” có tên Vanny thở phào nhẹ nhõm. Anh lái chiếc tàu hỏa tre đưa chúng tôi ra khỏi Ga O Dambong, trong khi đám gia cầm sợ hãi chạy tán loạn. Tàu di chuyển nhanh hơn, bỏ lại phía sau những cây chuối, cây thốt nốt và luồng gió nóng tràn ngập không gian. Tàu tre của chúng tôi lướt đi trên những đường ray xe lửa đã xập xệ. Từ hai bên đường, lũ trẻ ùa ra, thích thú giơ tay chạm vào khi tàu đi qua”.
Đó là mô tả về tàu tre của Erin Craig, phóng viên BBC Anh cho biết: Chúng tôi đang là những hành khách cuối cùng trên chiếc tàu hỏa tre “huyền thoại” của Campuchia - biểu tượng cho sự khéo léo và khả năng sáng tạo của con người. “Chúng ta có thể đi xa hơn được nữa không?”, Erin Craig hỏi khi tới Ga O Sra Lau, điểm quay lại của hành trình. Người lái tàu, anh Vanny nở nụ cười, kể cả khi phải nhắc tới những tin xấu: Đoạn đường ra tiếp theo quá xập xệ, con tàu của chúng tôi không thể chạy nổi.
Tàu hỏa tre là một phương tiện bình dân. Sàn tàu, tiếng bản địa gọi là “norry” được lắp ráp từ các nguyên vật liệu có sẵn, kết thành một mặt phẳng đặt trên các bánh xe, có thể đạt vận tốc khoảng 30 dặm/h (48km/h). Trên chiếc tàu bình dị này, người dân Campuchia chở mọi thứ, từ người cho tới hàng hóa, nông sản. Đến thập niên 1990, động cơ được gắn thêm vào tàu hỏa tre thô sơ, cung cấp lực đẩy cho các toa xe và nối với mặt phẳng bằng một đai cao su móc vào trục sau. Những chiếc norry hoàn thiện, gồm cả động cơ và bánh lăn, có chi phí lên tới 1,6 triệu riel (khoảng 392 USD).
Công bố kế hoạch tái thiết hệ thống đường sắt dài 386km
Hệ thống đường sắt Campuchia bị bỏ đi hồi thập niên 1970, trong cuộc nội chiến và trong những năm tàn bạo dưới thời Khmer Đỏ. Các con tàu bắt đầu chạy trở lại trong thập niên 1980, nhưng hạ tầng tồi tàn, dịch vụ thất thường và rồi cuối cùng chết hẳn.
Năm 2006, Chính phủ công bố dự án phục hồi hệ thống đường sắt, song mọi việc luôn bị trì hoãn do vấn đề ngân sách và chương trình tái định cư gây tranh cãi. Đường ray ở miền Nam đất nước, nối từ Phnom Penh tới Sinanoukville đã được hoàn thành vào năm 2013. Nhưng các khoản trợ cấp quốc tế cạn kiệt và nhiều người tin rằng, các kế hoạch cho tuyến đường ray ở miền Bắc, nơi chiếc tàu hỏa tre đang chạy cũng sẽ ở trong tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, tháng 7/2015, Chính phủ Campuchia công bố kế hoạch tái thiết hệ thống đường sắt ở miền Bắc dài 386km, nối Phnom Penh với biên giới Thái Lan. Theo Sok-Tharath Chreung, Phó giám đốc Cục Hỏa xa, ưu tiên hàng đầu là phải khôi phục đoạn từ biên giới tới Sisophon, nhà ga gần nhất với Ankor Wat. Tiếp đó là kế hoạch khôi phục các đường ray xe lửa khác ở miền Bắc nước này. Và như vậy, tàu hỏa tre sẽ chấm dứt hoạt động khi việc xây dựng thực hiện tới Ga O Dambong.
Trả lời BBC liệu có lo lắng về chuyện sẽ hết việc làm sau khi dịch vụ tàu hỏa tre ngưng hoạt động, Visal Daid, người sản xuất norry với thâm niên lái chúng hơn 10 năm nhún vai: “Lúc nào mà thợ mộc chả có việc!” và nếu tàu hỏa tre không hoạt động nữa, anh sẽ đi kiếm việc ở nơi khác.
Một nhóm những người lái tàu đã kiến nghị chính quyền địa phương duy trì tàu hỏa tre. Nhưng Sinnara Mak, Phó giám đốc Sở Du lịch Battambang cho rằng, đây là điều “khó thực hiện”. Khi những đoạn đường ray được khôi phục hoàn toàn, các đoàn tàu sẽ chạy với vận tốc ít nhất 50 dặm/h (80km/h). Mak cho biết thêm, một số công ty tư nhân đang tính chuyện đưa tàu hỏa tre vào hoạt động ở đoạn đường ray riêng, dài 15km nhưng, tương lai này khá… mơ hồ. “Đừng nên trông chờ vào chuyện này, bởi làm một đoạn đường ray đặc trưng khác kiểu sẽ rất đắt đỏ, chưa kể đất phục vụ cho dự án cần phải mua lại từ nông dân”, Mak nói.
Còn ông Chreung cho biết, các chuyến tàu hàng sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2017, song vẫn không ai dám chắc, mọi thứ có thể thay đổi hay không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận