Giao thông

Cần 9.300 tỷ khép kín đường Vành đai 2 TP.HCM

19/09/2023, 11:46

Lãnh đạo TP.HCM nhận định việc khép kín Vành đai 2 rất cần thiết nhằm giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc trong tương lai.

Sáng 19/9, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã trình HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp với 9.328 tỷ đồng bằng ngân sách TP; thời gian thực hiện từ năm 2023-2027.

Theo UBND TP, chủ trương khép kín đường Vành đai 2 đã được Thành ủy, HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện. Thế nhưng đã 10 năm, tuyến đường này mới hoàn thành 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn vẫn đứt mạch.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 phải khép kín được đường Vành đai 2 để giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc.

Cần 9.300 tỷ kín đường Vành đai 2 TP.HCM - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường trình chủ trương đầu tư các dự án tại kỳ họp chuyên đề HĐND khóa X. Ảnh: Thư Trần

Vành đai 2 được quy hoạch năm 2007, dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Tuyến đường bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM. 

Dự kiến, dự án này được chia thành 2 dự án thành phần gồm dự án xây dựng và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch được duyệt (phần tuyến 67m và toàn bộ nút giao Bình Thái). Đồng thời xây đường song hành đáp ứng 6 làn xe hai bên với 34m, xây dựng 2 nhánh cầu Đường Xuồng trên đường song hành rộng 12,8m.

Cần 9.300 tỷ kín đường Vành đai 2 TP.HCM - Ảnh 2.

Đoạn vành đai 2 TP.HCM xây dang dở, ngừng xây dựng nhiều năm. Ảnh: Chí Hùng

Ngoài ra, TP.HCM xây các nút giao với đường Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú, nút giao Bình Thái, nâng cấp, cải tạo mặt đường phạm vi đường Đặng Văn Bi, đường Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh...

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, việc khép kín Vành đai 2 nhiều năm qua được chính quyền thành phố rất quan tâm, tuy nhiên gặp khó khăn lớn về nguồn vốn.

Đoạn 1 và 2 của dự án trước đây tính thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (thanh toán bằng quỹ đất). Tuy nhiên, loại hợp đồng này hiện loại khỏi luật PPP nên suốt nhiều năm qua TP vẫn chưa cân đối được vốn để triển khai.

Mới đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP áp dụng hình thức BT theo phương án trả chậm bằng ngân sách, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước. Khi làm theo hình thức BT trả chậm, TP có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm ngay các đoạn còn lại của Vành đai 2. Nhà đầu tư xây dựng công trình và TP sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.

Đến nay, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7km đã được triển khai, tổng đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhưng từ năm 2020, công trình phải ngừng thi công đến nay khi đạt 44% khối lượng do gặp khó khăn về mặt bằng và thủ tục điều chỉnh dự án.

Trong 3 đoạn còn lại chưa triển khai, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,5km có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỷ đồng) từ ngân sách thành phố.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.