Ngày 17/1, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) cho biết, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (Tiền Giang) đã được đưa vào thiết kế cơ sở tổng thể của Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (dự án SWLC).
Dự án tổng thể này được đề xuất sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB), có tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD, đang được nghiên cứu khả thi. Một phần dự án là nâng cấp, cải tạo hạ tầng 20 tuyến sông theo hành lang đường thủy Đông - Tây và Bắc - Nam nhằm nâng cấp luồng tuyến, tạo thuận lợi kết nối bằng đường thủy giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Trong đó, kênh Chợ Gạo thuộc hành lang Đông Tây, có tổng mức đầu tư khoảng 60 triệu USD (khoảng hơn 1.300 tỷ đồng), chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng.
“Dự kiến ngày 21/1, Đoàn công tác của WB tiếp tục khảo sát lại thực địa tổng thể dự án. WB sẵn sàng cho vay vốn để triển khai dự án SWLC, tuy nhiên trường hợp sử dụng nguồn vốn vay WB cần nhiều thủ tục pháp lý nên đến khoảng 2021-2023 mới có thể ký kết hiệp định vay vốn”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án thông tin và cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý dừng thực hiện dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo theo hình thức BOT, vì vậy ngoài phương án dùng vốn WB còn một phương án khác là đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn trung hạn 2016-2020.
Được biết, vừa qua Thủ tướng có ý kiến đồng ý dừng thực hiện dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng BOT như đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự án theo các phương án dùng vốn ngân sách, vốn vay WB.
Năm 2016, dự án được phê duyệt triển khai theo hình thức BOT, tuy nhiên trong quá trình triển khai, do không khả thi về phương án tài chính, khó đạt mục tiêu dự án nên tháng 10/2018, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép dừng thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa đầu tư.
Kênh Chợ Gạo dài hơn 28km, là tuyến đường thủy quan trọng, kết nối TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Do lưu lượng phương tiện đông đúc nên trên tuyến thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông nên cần được cải tạo, nâng cấp để phát triển giao thông thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận