Âm thầm chịu đựng
Bác sĩ kiểm tra để xác định mức độ co thắt của cơ sàn chậu và đánh giá điều trị són tiểu bằng vật lý trị liệu.
Mới 40 tuổi, trong khi bạn bè "đi đông, đi tây" thì chị Nguyễn Thanh Triều (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ dám loanh quanh từ nhà đến cơ quan và ngược lại vì lý do tiểu mất kiểm soát. Sau 5 năm mắc căn bệnh khó nói này, mới đây chị Triều tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám và được chỉ định can thiệp để giải quyết triệt để.
Chị Triều cho biết, sau khi sinh con thứ 3, cứ mỗi lần xách đồ nặng hay ho nhiều là són tiểu. Tình trạng trên kéo dài suốt 5 năm qua và ngày càng tệ hơn, đôi khi chỉ cười to cũng không kiềm được.
Với những người bị són tiểu ở mức nhẹ có thể tự tập Kegel. Đây là bài tập dành riêng cho vùng cơ sàn chậu, giúp tăng cường và hỗ trợ cơ quan sinh dục. Vùng cơ này nằm ở dưới vùng chậu, giữa 2 chân ở vùng thắt lưng. Từ đó, giúp giảm nguy cơ mất kiểm soát, rò rỉ tiết niệu, giảm nguy cơ sa dạ con với phụ nữ sinh thường.
BS Lê Thị Anh Đào
"Lúc trước, con nhỏ rồi công việc cứ quấn lấy nên ngại đi khám. Nhưng việc này ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt nên tôi quyết định chữa trị. Bác sĩ trách sao không khám sớm mà để quá lâu như vậy. Nếu đến sớm, chỉ cần tập luyện cũng khỏi", chị cho biết thêm.
Cũng đến khám tại đây, bà Nguyễn Thị Hiên (60 tuổi, ở Bắc Giang) cho hay: "Gần chục năm nay tôi bị tiểu són, cứ nghĩ đẻ mấy đứa con xong thì ai cũng vậy nên tôi không đi khám. Hơn nữa ở quê, ngại nói lắm, cứ chấp nhận thế thôi. Điều khó chịu nhất là cơ thể luôn có cảm giác rất hôi mùi nước tiểu".
Chị Liên, con gái bà Hiên chia sẻ: "Trước đây, tôi không nghe mẹ than phiền việc này. Hai tháng vừa rồi bà lên chăm cháu, tôi mới biết nên đưa bà đi khám".
Trường hợp của bà Hiên được các bác sĩ chẩn đoán sa bàng quang độ 3, là nguyên nhân gây tình trạng tiểu khó kiểm soát.
Còn chị Trần Hàn Hương (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện sớm bất thường són tiểu khi tham gia khóa tập gym. "Khi gắng sức tập hoặc những động tác bật là xuất hiện tình trạng són tiểu. Tôi tham khảo bác sĩ sản và được khuyên nên luyện bài tập sàn chậu Kegel. Kiên trì luyện tập nửa năm qua, tình trạng cải thiện rất tốt", chị Hương cho biết.
Theo BS Lê Thị Anh Đào, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiểu không tự chủ hay vẫn gọi là tiểu són là tình trạng mất hoạt động tự chủ của việc tiểu tiện hoặc có thể hiểu đơn giản là sự rò rỉ nước tiểu.
"Chị em cần hiểu, són tiểu không phải là bệnh do lớn tuổi gây ra cũng không phải là tất yếu xảy ra sau sinh đẻ… nên cần thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời", BS Đào nói.
Cũng theo BS Đào, thống kê cho thấy, cứ 10 phụ nữ 20 - 55 tuổi có 1 - 3 người bị són tiểu ở các mức độ khác nhau; 20 - 50% người bị són tiểu mức độ nặng. Són tiểu khiến nhiều chị em cảm thấy xấu hổ, thiếu tự tin do mất vệ sinh, gây mùi khó chịu, tuy nhiên, hoàn toàn có thể giải quyết triệt để được bệnh này.
Đừng ngại đến bệnh viện
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: Chứng són tiểu là một trong các bệnh lý sàn chậu, xuất hiện khi cơ sàn chậu yếu đi do quá trình sinh nở nhiều lần hoặc giảm sút lượng hormone estrogen ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Ngoài ra, bệnh lý sàn chậu còn biểu hiện qua tình trạng sa tạng chậu, són hơi, són phân, giãn rộng âm đạo, đau vùng thắt lưng chậu...
Cũng theo BS Hiền Lê, có nhiều phương pháp điều trị bệnh. Tùy độ tuổi, nhu cầu quan hệ tình dục, sinh nở, mức độ, sức khỏe của mỗi người, bác sĩ đưa ra phương án phù hợp nhất. Nếu người bệnh già yếu hoặc không muốn phẫu thuật, bác sĩ khuyến cáo đặt vòng nâng pessary. Đây là dụng cụ bằng silicon có tác dụng nâng giữ bàng quang, được đặt mỗi ngày, có thể vệ sinh và tái sử dụng.
Người bệnh trẻ tuổi có nhu cầu sinh thêm con hoặc sinh hoạt tình dục, nếu bệnh ở mức độ nhẹ có thể kết hợp bài tập sàn chậu và laser vùng chậu. Cách này giúp các cơ đáy chậu, dây chằng và mạc chậu tăng sản sinh collagen, kích thích cơ phát triển và phục hồi, tạng trở về vị trí cũ. Nếu người bệnh nặng, có thể can thiệp phẫu thuật nội soi cố định bộ phận này.
BS Hiền Lê cũng cảnh báo, yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm di truyền, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu, táo bón kéo dài, sinh con nặng cân, sinh thường nhiều con. Người mẹ rặn sinh nhiều, nếu cắt và khâu tầng sinh môn không đúng cũng có nguy cơ tàn phá cơ sàn chậu. Bên cạnh đó, có thể còn do một số loại thuốc uống điều trị bệnh khác gây nên.
"Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như són tiểu lúc cười, ho, rặn, hắt hơi, chạy, nhảy, mang vật nặng, lúc giao hợp… chị em nên kịp thời tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị, tránh đề hệ lụy đáng tiếc", BS Hiền Lê khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận