Căn bệnh từng khiến cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mắc phải là chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính, chính xác hơn là viêm loét đại tràng.
Căn bệnh tiêu hóa này khiến cơ thể của ông Abe suy nhược nặng. Đây là một căn bệnh hàng triệu người mắc phải và có thể bùng phát đột ngột.
Viêm loét đại tràng gây kích ứng, làm viêm lớp niêm mạc trong cùng của ruột già và trực tràng, gây ra các vết loét.
Các triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy không kiểm soát, chảy máu trực tràng, sụt cân, giảm cảm giác thèm ăn, đau bụng và thường xuyên phải đi vệ sinh.
Ông Abe mắc phải căn bệnh này khi còn trẻ và tình trạng trở nên trầm trọng theo thời gian. Các bác sĩ cho biết, họ phát hiện có nhiều người mắc phải từ độ tuổi 50 trở lên nhưng không có các triệu chứng khi còn trẻ.
Bệnh viêm loét đại tràng nguy hiểm như thế nào?
Bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có hơn 2 triệu người mắc phải ở Bắc Mỹ, 3 triệu người ở châu Âu và hàng triệu người khác trên toàn thế giới.
Theo tiến sĩ Ashwin N.Anathakrishnan, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết, viêm loét đại tràng lần đầu tiên được phát hiện trong cuộc Nội chiến và đã gia tăng đáng kể kể từ những năm 1940 ở Mỹ và từ những năm 1970 ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản.
Ông và các bác sĩ khác cho rằng, sự tăng trưởng trong các trường hợp một phần là do những thay đổi trong thói quen ăn uống, đặc biệt là việc chuyển sang chế độ ăn giàu chất xơ ở châu Á.
Nhưng những nguyên nhân cơ bản và tác nhân gây ra cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng vẫn còn là những lĩnh vực đang được nghiên cứu.
Nhiều phương pháp điều trị đã được phát triển để giảm bớt các triệu chứng, nhưng cả 2 bệnh này đều có thể tái phát mà không có dấu hiệu báo trước.
Tiến sĩ Ananthakrishnan cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “2 căn bệnh này liên quan tới sự gián đoạn. Có thể có những đợt bùng phát kéo dài vài ngày đến vài tuần”.
Tiến sĩ Reezwana Chowdhury, trợ lý giáo sư tại Trường Y Đại học Johns Hopkins và là chuyên gia về viêm đại tràng và các rối loạn đường ruột khác cho biết: “Viêm loét đại tràng có thể phát triển ở mọi lứa tuổi và trẻ em nếu mắc bệnh này có thể bị tái phát mãn tính”.
Cắt bỏ ruột già có thể được coi là một cách chữa khỏi bệnh viêm loét đại tràng, nhưng không phải là không có biến chứng.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ phẫu thuật tạo ra một lỗ mở nhân tạo ở thành bụng để thải chất thải của cơ thể ra khỏi ruột non.
Tiến sĩ Ananthakrishnan cho biết, những tiến bộ trong phương pháp điều trị đã làm giảm đáng kể nhu cầu phẫu thuật. Ông nói 20 năm trước, có tới 1/5 bệnh nhân cần phẫu thuật so với 1/10 bây giờ.
Tuy nhiên, ông cho biết ngay cả những người đã đáp ứng với các phương pháp điều trị cũng có thể bị tái phát, điều này xảy ra đối với trường hợp của ông Abe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận