Chiều nay (19/10), Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về việc Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới như: Có bao nhiêu chức danh được lấy phiếu tín nhiệm? Những người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đầy đủ báo cáo - bao gồm báo cáo kê khai tài sản hay chưa? Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai như thế nào?
Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo quy định thì các chức danh không lấy phiếu tín nhiệm là các nhân sự không còn giữ vị trí được phê chuẩn, các nhân sự đã có thông báo nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu và các nhân sự mới được bổ nhiệm trong năm 2023.
Cụ thể, đến thời điểm này, Quốc hội khóa XV đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 người đang giữ vị trí và năm người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023, như vậy còn 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể là sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm thì báo chí sẽ được tham dự và cung cấp thông tin.
Ông Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại tất cả các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo về UBTVQH, gồm báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo về kê khai tài sản.
Trong báo cáo kiểm điểm công tác có tiêu chí về trách nhiệm nêu gương của vợ con, người thân.
“Đến thời điểm hiện tại, qua hai kênh đại biểu Quốc hội, và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa nhận được thông tin gì liên quan gì đến phản ánh đối với người được lấy phiếu tín nhiệm", ông Tuấn Anh nói và cho biết, Ban Công tác đại biểu tiếp tục theo dõi thông tin, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Ông Tuấn Anh thông tin, hai báo cáo này được gửi đại biểu Quốc hội trước 20 ngày, hồ sơ báo cáo được đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Theo quy định Nghị quyết 96 khi phát sinh những vấn đề phản ánh của cử tri thì đại biểu Quốc hội có ý kiến để người lấy phiếu tín nhiệm trả lời.
“Quốc hội dành 1,5 ngày để lấy phiếu, trong thời gian này sẽ có phiên thảo luận tại đoàn, và các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo kê khai tài sản của người lấy phiếu tín nhiệm”, Phó trưởng ban Công tác đại biểu nói.
Trước câu hỏi "vì sao lại lấy phiếu tín nhiệm ngay tại đầu kỳ họp Quốc hội tới", ông Tuấn Anh nói, lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nên tiến hành ngay từ đầu kỳ họp là bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận