Xã hội

Cán bộ Hải quan nhận phong bì khủng chỉ là “sự cố đáng tiếc”?

19/01/2016, 07:06

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, vụ cán bộ Hải quan nhận phong bì tiền tỷ là “sự cố đáng tiếc”.

13

Ông Nguyễn Tường Duy (ảnh nhỏ) khi còn là cán bộ Hải quan tại Cục Hải quan TP HCM - Ảnh: VOV

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chiều 18/1, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, số tiền thu hồi chỉ bằng một nửa so với giá trị thiệt hại từ các vụ tham nhũng trong ngành gây ra.

Hải quan, thuế, kho bạc đều phát hiện tham nhũng

Hội nghị chiều qua được hâm “nóng” khi mới đây cơ quan an ninh bắt giữ Nguyễn Tường Duy (48 tuổi), nguyên cán bộ Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP HCM để điều tra với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Khám xét nhà Duy, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ, hàng chục phong bì có gần 1 tỷ đồng... được cho là tang vật của vụ án. Theo cáo buộc ban đầu, Duy với nhiệm vụ là kiểm soát hàng hóa đã gây khó khăn trong quá trình kiểm soát để gợi ý chi tiền từ 2-15 triệu đồng nếu muốn hàng hóa được thông quan. Nếu không, các doanh nghiệp phải để những loại hàng hóa được đánh giá là “nhạy cảm” chờ kiểm tra và mất chi phí kho bãi.

Cán bộ tài chính nộp lại hơn 322 triệu đồng tiền quà tặng

Bộ Tài chính cho biết, về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, thực hiện báo cáo thống kê kịp thời, đầy đủ tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định. Cụ thể, từ năm 2007 - 2015, các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính đã kê khai, nộp lại quà biếu, quà tặng đã nhận theo quy định, gồm 322 triệu đồng, 1 bộ máy vi tính; 15 bức tranh thêu; 1 lọ hoa; 1 bộ sách và đĩa hát.

Trước vụ việc này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thừa nhận, đây là “sự cố đáng tiếc”. Theo ông Cẩn, nhiều trường hợp thoái hóa biến chất khác cũng đã “dính” vào các hành vi liên quan tới nhũng nhiễu, tham nhũng. Theo đó, đa phần là hành vi lợi dụng chính sách xuất khẩu để khai khống và được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào... “Dù đã thanh, kiểm tra nhưng cũng không phát hiện được nhiều vụ việc vi phạm. Chỉ tới khi tiến hành điều tra sâu, chúng tôi mới bắt quả tang, đồng thời xử lý nhiều cán bộ trong ngành”, ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay. Lý giải về tình trạng nhiều cán bộ hải quan “nhúng chàm”, vị Phó Tổng cục trưởng cho rằng, một phần cũng do đặc thù của ngành. “Cán bộ hải quan là công chức và tham gia trực tiếp vào quy trình nghiệp vụ sâu trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm như về thuế giá trị gia tăng, buôn lậu…”, ông Cẩn nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo ngành Kho bạc Nhà nước cũng thông tin, thời gian qua đã phát hiện các vụ tham ô, tham nhũng và đã tiến hành xử phạt tập thể, cá nhân theo quy định.

Đối với ngành Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho hay, trong 10 năm qua, bên cạnh việc chấn chỉnh cán bộ, thực hiện quản lý công việc tới từng cán bộ và hàng năm rà soát, luân phiên 93.310 lượng công chức, tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra. Ông Nam liệt kê, năm 2013 ngành có 241 cán bộ vi phạm, năm 2014 có 250 cán bộ vi phạm, năm 2015 có 159 cán bộ vi phạm kỷ luật bị xử lý. Mặc dù Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng vì số cán bộ vi phạm bị xử lý năm sau thấp hơn năm trước nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cho rằng, ngành Thuế “vẫn phải thận trọng vì có nhiều trường hợp không phát hiện ra”.

Thu hồi hơn 30 tỷ đồng tiền tham nhũng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, thời gian qua, đường dây nóng của cơ quan thuế và hải quan liên tục nhận được nhiều thông tin phản ánh về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ. Trong quá trình xử lý vi phạm, bà Mai thừa nhận, người đứng đầu tại đơn vị nhiều khi còn chưa nghiêm.

Được biết, trong 10 năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện xử lý đối với 27 tập thể, cá nhân có vi phạm bằng các hình thức như: Không khen thưởng, hạ thi đua, hạ bậc lương, giáng chức, khiển trách, cảnh cáo... Cụ thể, ngành Thuế có 19 trường hợp; hệ thống Kho bạc Nhà nước có 3 trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; Ngành Hải quan có 5 trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý hình sự do có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng tại đơn vị.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2006-2015, Bộ Tài chính đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng, trong đó phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ là 102 vụ việc, qua công tác thanh tra là 16 vụ việc, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo là 7 vụ việc; Số đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện là 134 người. Bộ cũng phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 34 vụ việc tham nhũng, truy tố 7 vụ án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử là 42 vụ với 66 đối tượng bị kết án tham nhũng; số vụ việc tham nhũng đã được xử lý hành chính là 113 vụ với 121 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, đang được xem xét xử lý là 5 vụ với 5 đối tượng.

Cũng theo Thứ trưởng Mai, giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng là 66.594 triệu đồng, trong khi số tiền đã được thu hồi, bồi thường là 30.194 triệu đồng. “Sắp tới, về việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, cần phải có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng chứ không chờ đến khi đã kết án về hành vi tham nhũng”, bà Mai kiến nghị. Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, nên sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi xác định hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.