Xử nghiêm cán bộ thiếu chuẩn mực, “hành” dân
Do đặt tên con trùng tên với em ruột của ông ngoại, đầu tháng 9/2019, công dân Trần Công Ba (trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đến UBND phường Tân Chính làm thủ tục đổi tên cho con.
Cán bộ hộ tịch Trần Hoài Nam yêu cầu ông Ba làm giấy xác nhận bị trùng tên và phải có trưởng tộc, cơ quan thẩm quyền ký xác nhận. Ông Ba đã hoàn tất các giấy tờ này. Nhưng khi vợ ông Ba mang giấy xác nhận đến phường, thì ông Nam lại yêu cầu làm thêm mẫu đơn do ông này cung cấp.
Vợ ông Ba lại tất tả chạy về làm thêm mẫu đơn theo yêu cầu và đến UBND phường Tân Chính nộp đơn thì ông Nam nói thiếu chữ ký người chồng. Đơn đến bộ phận một cửa lần thứ tư, cán bộ hộ tịch Trần Hoài Nam lại cho rằng trong đơn thiếu thông tin người trùng tên đã mất.
“Sau 4 lần đi lại, tôi vẫn không thể hoàn thiện được hồ sơ để làm thủ tục đổi tên cho con. Cứ mỗi lần đến anh Nam lại nói thiếu một cái khiến vợ chồng tôi phải chạy tới chạy lui nhiều lần. Thấy vậy, tôi đã hỏi anh Nam trong thủ tục này còn yêu cầu những gì nữa thì anh mới nói là cần thêm bản photo CMND, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn. Nếu tôi không hỏi thì không biết còn phải tới mấy lần nữa”, ông Ba nói.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND phường Tân Chính đã họp và đi đến thống nhất điều chuyển vị trí tiếp dân tại bộ phận tiếp nhận trả kết quả của ông Nam. Ông Nam sẽ chuyển sang phụ trách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành án thuộc bộ phận tư pháp của phường. Vị trí cán bộ hộ tịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Tân Chính sẽ được phân công cho người khác.
Trong tháng 10/2019, cũng xuất hiện 2 trường hợp công dân đến UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và UBND phường Hoà Thuận Đông (quận Hải Châu, Đà Nẵng) làm thủ tục giấy tờ nhưng bị cán bộ tại bộ phận một cửa quát nạt, thái độ khó chịu. Qua phản ánh của công dân, chính quyền địa phương đã xác minh, yêu cầu các “quan” có thái độ thiếu chuẩn mực xin lỗi công dân và kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Lắp camera nơi cán bộ tiếp xúc trực tiếp với dân
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, các cơ quan, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực thi công vụ, tạo được sự hài lòng của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Theo ông Đồng, các cán bộ, công chức có thái độ thiếu chuẩn mực đạo đức trong giao tiếp đối với tổ chức, công dân đến làm việc là phải kiên quyết xử lý, nếu vi phạm đến mức kỷ luật phải thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm. “Phải kịp thời thay thế ngay những cán bộ, công chức này, hoặc bố trí công việc khác cho phù hợp, không để công tác tại các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, người dân”, ông Đồng cho hay.
Theo ông Võ Ngọc Đồng, để chấn chỉnh tình trạng cán bộ “hành” dân, có thái độ thiếu chuẩn mực, Sở Nội vụ sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất thái độ của cán bộ, công chức viên chức, đặc biệt là các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với tổ chức, người dân.
“Chúng tôi cũng đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quản lý công chức trong thực thi công vụ, nhất là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, không để công chức có biểu hiện tiêu cực. Sắp tới, Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị mở các lớp bồi dưỡng đạo đức công vụ, kỹ năng tiếp xúc làm việc với tổ chức, công dân cho cán bộ công chức xã, phường”, ông Đồng cho biết.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết thêm, từ năm 2017 đến nay, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã kết nối hệ thống camera vào mạng MAN của thành phố để Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan có thể thực hiện giám sát từ xa bộ phận một cửa các địa phương. UBND các phường, xã cũng đã kết nối hệ thống camera vào mạng MAN để UBND quận, huyện quản lý trực tiếp giám sát.
“Một số địa phương đã triển khai ứng dụng mobile để thuận tiện cho việc giám sát của HĐND. Đến nay, bộ phận một cửa của Trung tâm Hành chính thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã đều đã được lắp đặt camera để giám sát việc tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và công chức các cấp”, ông Đồng cho biết thêm.
Đà Nẵng ứng dụng CNTT, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Với hạ tầng CNTT được xây dựng đồng bộ, công nghệ hiện đại phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử có ký số.
Tính đến nay toàn thành phố có gần 2.000 chữ ký số đang hoạt động; 100% cơ quan thành phố các cấp và 100% lãnh đạo (từ cấp phòng và tương đương trở lên) được cấp chữ ký số qua USB token.
Có 847 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 trên tổng số 1.382 thủ tục hành chính. Trong đó, 151 DVCTT mức 4; năm 2018 có 47% DVCTT có phát sinh hồ sơ và 44% hồ sơ trực tuyến.
Tháng 10/2019, thành phố đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung (https://dichvucong.danang.gov.vn), tích hợp tất cả DVCTT đơn lẻ ở các đơn vị, các cơ quan Trung ương vào một hệ thống thống nhất, sẵn sàng kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận