Xã hội

Cần cấm ô tô biển trắng giờ cao điểm

17/04/2017, 07:00

Cấm xe ô tô cá nhân loại từ 7 chỗ trở xuống trong khung giờ cao điểm vào nội đô để chống tắc đường?

8

Hạn chế được xe cá nhân từ 7 chỗ trở xuống vào nội đô trong giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần sẽ giảm được ùn tắc - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉ cần cấm ô tô cá nhân từ 7 chỗ trở xuống trong 2,5 giờ cao điểm (sáng từ 6h - 8h30, chiều từ 16h30 - 19h), không cấm vào thứ bảy và chủ nhật, sẽ giải quyết được nạn ùn tắc.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông cùng cộng đồng Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn. 

Vì sao cấm ô tô mà không phải xe máy?

Quan sát kỹ cảnh ùn tắc (các bức ảnh chụp cảnh ùn tắc) sẽ nhận thấy, diện tích chiếm lòng đường của ô tô và xe máy hiện nay khá tương đương (có thời điểm ô tô chiếm diện tích nhiều hơn, có thời điểm xe máy chiếm diện tích nhiều hơn). Một chiếc ô tô con chiếm lòng đường gấp khoảng 4 lần 1 chiếc xe máy, vì ô tô con thường dài trên 4m, rộng gần 2m, còn xe máy khoảng cách giữa 2 ghi đông là 0,6m và dài dưới 2m.

Năng lực vận chuyển của xe 5 chỗ tối đa được 5 người (theo luật). Tuy nhiên, theo quan sát vào giờ cao điểm (giờ đi làm) chủ yếu chỉ có một người lái xe ngồi trên xe (vì là xe cá nhân phục vụ mục đích đi làm nên mọi người không rủ bạn bè hay gia đình đi cùng vào lúc đó). Số xe ô tô chở 2-3 người trở lên rất ít. Còn xe máy chủ yếu 1 người, cũng ít xe lai nhau. Từ đó cho thấy, 1 ô tô chiếm lòng đường gấp 4 lần 1 xe máy, nhưng năng lực vận chuyển chỉ bằng 1 xe máy.

Nhìn vào bức ảnh tại một điểm ùn tắc (những bức ảnh kiểu này đang có rất nhiều trên báo chí, internet và thường thấy diện tích chiếm lòng đường của ô tô và xe máy là tương đương). Giả sử có một phép màu, tại thời điểm đó tất cả xe máy được biến thành ô tô, cảnh tượng gì sẽ xảy ra với diện tích, không gian dành cho giao thông ở khu vực đó. Lúc đó, ô tô nhiều tới mức phải xếp lên nóc của nhau và không chỉ tắc nghẽn mà là một thảm họa. Còn nếu tất cả ô tô biến thành xe máy, chắc chắn lòng đường sẽ thoáng hơn nhiều và sẽ hết ùn tắc, các phương tiện sẽ lưu thông được bình thường. Vậy, chúng ta sẽ chọn giải pháp nào? Cấm ô tô con hay cấm xe máy tham gia giao thông vào giờ cao điểm?

Tôi đề xuất: Hãy cấm xe ô tô cá nhân (xe biển trắng) loại đăng ký từ 7 chỗ trở xuống vào khung giờ cao điểm. Chỉ cần hạn chế giờ cao điểm là 2,5 giờ buổi sáng, 2,5 giờ buổi chiều (sáng từ 6h - 8h30, chiều từ 16h30 - 19h) không cấm vào thứ bảy và chủ nhật. Hạn chế về không gian là chỉ áp dụng với các quận của Hà Nội cũ (trước khi sáp nhập thành Hà Nội mới).

Chắc chắn sẽ có phản ứng từ nhóm người “khá giả”

Tôi xin nói kỹ hơn về tính hợp lý của giải pháp này như sau: Thứ nhất, trên thực tế vào giờ cao điểm, một ô tô con là chiếm lòng đường gấp 4 lần 1 xe máy khi so sánh với năng lực vận chuyển người. Thứ hai, với khoảng 700.000 đối tượng thường đi xe con có thể chuyển đi xe buýt (vì năng lực vận chuyển của xe buýt hiện nay có thể đảm đương được lượng người này), ngoài ra họ cũng có thể dùng xe máy đi làm (còn với người chỉ có xe máy đi làm thì khó có thể kiếm được ô tô con đi làm trong trường hợp cấm xe máy).

Cách làm này, khi áp dụng chắc chắn sẽ có sự phản ứng của nhóm người dùng ô tô đi làm tạm gọi là thành phần “khá giả” hơn nhóm người chỉ có thể dùng xe máy đi làm, nên có thể sẽ phản ứng rất mạnh mẽ. Do vậy, khi thực hiện giải pháp này, Nhà nước phải kiên quyết kêu gọi sự hy sinh của họ vì lợi ích chung, vì Thủ đô thân yêu. Đây cũng là áp lực để Nhà nước đẩy nhanh tối đa việc nâng cấp giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm…).

Có thể sẽ có người nói: Áp dụng cách làm trên sẽ làm tăng (khuyến khích) người dùng xe máy nhiều lên, làm xấu hình ảnh của Thủ đô. Xin trả lời đây chỉ là giải pháp tạm thời, bất đắc dĩ và chỉ áp dụng vào khung giờ cao điểm. Còn theo xu hướng phát triển, người dùng xe máy sẽ ngày càng ít, bởi vì người đã đi ô tô rồi họ sẽ không thích đi xe máy nữa, trừ trường hợp không còn cách nào khác. Mặt khác, cũng theo xu hướng, những người đi xe máy khi có điều kiện sẽ bỏ dùng xe máy để đi ô tô, như cách đây một thời gian ta bỏ xe đạp để đi xe máy.

Nhìn vào tương lai, khi hệ thống giao thông công cộng của ta được cải thiện và nâng cấp, nhiều người sẽ chọn hệ thống giao thông công cộng, kể cả những người đang dùng xe máy cũng chuyển sang sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Do vậy, theo xu hướng phát triển, người dùng xe máy sẽ tự động giảm.

Sẽ có câu hỏi: Tại sao không cấm xe ô tô 8 chỗ trở lên? Xin trả lời, thường xe 8, 9, 12, 16 chỗ trở lên rất ít dùng vào mục đích chỉ 1 người lái xe đi làm. Chúng thường được dùng để vận chuyển nhiều người. Khi cấm xe cá nhân lưu thông vào giờ cao điểm có thể số xe trên 7 chỗ sẽ được sử dụng nhiều hơn để đưa đón cán bộ, công nhân viên, công nhân, học sinh đi làm và đi học, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển người cần lưu thông vào giờ cao điểm, bổ sung cho hệ thống xe buýt.

Cũng có thể có câu hỏi: Thế còn taxi có cấm không? Việc này giao cho Sở GTVT Hà Nội đề xuất, tôi chỉ xin gợi ý hướng giải quyết: Cấm taxi lưu thông ở một số tuyến phố vào giờ cao điểm; Có giải pháp hạn chế taxi lưu thông vào giờ cao điểm (cần kiểm soát được số lượng taxi lưu thông vào giờ cao điểm).

3 giai đoạn cứu “thảm họa ùn tắc”

7

Ùn tắc giao thông thường xảy ra vào giờ cao điểm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có nói: “Hà Nội thấy thảm họa đang đến gần mà không biết làm thế nào”. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ xem cái thảm họa này có phải kinh khủng đến mức không giải quyết được không? Theo tôi, để giải quyết được thảm họa này chúng ta phải tìm ra nguyên nhân cốt lõi của nó, từ đó, sẽ tìm ra phương pháp xóa bỏ tận gốc của thảm họa.

Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi chính là chủ quan, do bộ máy chính quyền (không phải do người dân) đã quy hoạch, quản lý đô thị rất không tốt, thậm chí có người nói quy hoạch đã bị băm nát trong một thời gian rất dài (từ năm 1975 đến nay là 42 năm). Thảm họa hôm nay chính là hậu quả do nguyên nhân trên gây nên. Để giải quyết hậu quả này, chúng ta phải sửa cách quản lý đô thị của mình với sự dũng cảm, kiên quyết và sáng suốt.

Để giải quyết vấn đề này cần chia làm 3 giai đoạn. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, nên chia giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 (trước mắt): Từ nay đến hết quý I/2018; Giai đoạn 2 (trung hạn): Từ nay đến năm 2025; Giai đoạn 3 (sau trung hạn): Từ nay đến năm 2030.

Xin giải thích, tất cả các giai đoạn đều phải bắt đầu từ bây giờ (ngay đầu năm 2017 này), chỉ khác nhau ở đích hoàn thành, vì không làm thế sẽ không kịp.

Nhóm giải pháp dành cho giai đoạn 1 (trước mắt) từ nay đến hết quý I / 2018 hay còn gọi là nhóm giải pháp “GIỜ CAO ĐIỂM”. Các giải pháp chỉ áp dụng tạm thời, sẽ được dỡ bỏ dần theo tình hình cụ thể, phụ thuộc vào việc chúng ta thực hiện các công việc của giai đoạn 2 và giai đoạn 3 tốt (xuất sắc) tới mức nào. Sở dĩ, giai đoạn này ngắn vì vấn đề giao thông Hà Nội tại giờ cao điểm đã trở nên quá “nóng” và gây hậu quả không tốt tới phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Các giải pháp cần phải quyết định sớm nhất và triển khai kịp thời để cắt “cơn sốt” trong khung thời gian cao điểm của nội đô Hà Nội. Hạn chế xe cá nhân, trong đó có việc cấm ô tô biển trắng vào giờ cao điểm chính là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất của giai đoạn 1, rồi sau đó chúng ta mới tính tiếp.

TS. Trần Hòa Bình

Nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX và ĐTCB tỉnh Quảng Ninh 

dien-dan-300x90-0602

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.