Theo người dân địa phương, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy đàn cò khoác trên mình bộ cánh… “lạ” với số lượng hàng ngàn con như vậy. Nơi chúng thường kiếm ăn là cánh đồng Bàu Quan, đồng Hầm Ngựa (thôn Cam Lộ) và các vùng ruộng lúa thuộc các thôn như Phú Ngạn, An Bình (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).
Đàn cò “lạ” này mang trên mình “bộ cánh”… đặc trưng, với nửa thân trước màu trắng sẫm, nửa thân sau màu đen óng. Nửa đôi cánh dài của những chú cò “lạ” này có màu đen cả phía trong và phía ngoài; chân và mõm dài có màu hồng sẫm.
Theo Sở TN&MT Quảng Trị, đàn cò “lạ” này có thể là loài cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc, thuộc họ hạc, nằm trong danh sách loài quý hiếm. Sở cũng đã đề nghị các địa phương có biện pháp bảo vệ loài chim hoang dã, không xua đuổi, săn bắt.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, cũng trên cánh đồng ruộng lúa xã Cam Thanh còn có đàn cò mang trên mình “bộ cánh” toàn thân màu trắng mượt mà nổi bật thường thấy, mõm dài màu vàng, chân cao màu đen sẫm. Nơi đây cũng có khá nhiều loài chim khác…
Thời điểm PV có mặt, tại trên cánh đồng xã Cam Thanh đang có ít nhất 1 đàn "cò trắng" và 1 đàn "cò nhạn" đang "săn mồi" trên ruộng lúa cách nhau không quá xa, nhưng hàng ngàn con cò giữa 2 đàn cò này luôn “giữ khoảng cách”. Mỗi đàn cò sà xuống kiếm ăn, chúng luôn ngẩng đầu lên “quan sát” xung quanh, khi có người đến cách khoảng 100m là chúng cùng bay đến khu vực ruộng lúa khác nằm xen kẽ giữa các khu dân cư, hay những cánh rừng tràm, cao su gần đó.
Được biết, ở Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện một vài nơi ở Tây Nam bộ và Tây Ninh, số lượng không nhiều. Tuy nhiên, trước khi xuất hiện ở Cam Lộ (Quảng Trị), loài có quý hiếm này cũng đã “bất ngờ” xuất hiện trên cánh đồng ruộng tại một số địa phương như: xã Trà Đa (Pleiku, tỉnh Gia Lai), xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)…
Thức ăn của loài chim này là ốc bươu vàng… nên không những không gây hại mà còn giúp người dân diệt nạn ốc phá hoại lúa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận