Xã hội

Cận cảnh công trình hồ chứa nước ngọt "khủng" ở Cà Mau

21/07/2022, 19:30

Hồ chứa nước ngọt ở Cà Mau có diện tích mặt thoáng hồ 60ha, dung tích hồ 3,85 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 dân.

Hồ chứa nước ngọt là hạng mục công trình thuộc Tiểu dự án 8 “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau” của Dự án Chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án ICRSL), được đầu tư bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế Giới.

Đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau với diện tích mặt thoáng hồ 60ha, dung tích hồ 3,85 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 người dân ở huyện U Minh, với chi phí xây dựng trên 184 tỷ đồng.

img

Bờ bao được đắp gần khu vực hồ chứa nước ngọt để trữ lượng đất bùn hút lên từ lòng hồ chứa.

Công trình được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1, tại khu B3, B4 khu tái định cư - định canh xã Khánh An, huyện U Minh. Dự án do Ban Quản lý các dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau làm đại diện chủ đầu tư.

Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình - Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Cà Mau, thời gian thi công dự kiến trong 12 tháng (tháng 12/2022 hoàn thành).

Công trình hồ chứa nước ngọt ngoài mục tiêu chính là cung cấp nước sinh hoạt, còn trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt là công trình quan trọng của tỉnh, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm.

Trong tương lai, nếu được tiếp ngọt nguồn nước từ sông Hậu về, hồ này có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho khu vực các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng hiệu quả, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân huyện U Minh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo người đại diện đơn vị điều hành dự án, về cơ bản đã hoàn thành trên 80%, vì khối lượng chính chủ yếu là nạo vét lòng hồ.

"Hiện tại, lòng hồ sâu khoảng 7m so với mực nước hiện tại, đơn vị thi công đang khẩn trương đắp bờ bao hạn chế nước sình tràn qua, đồng thời di dời ống sang bể chứa khác để thổi đất từ lòng hồ lên", người này chia sẻ thêm.

Một số hình ảnh ghi nhận tại Dự án xây dựng Hồ chứa nước ngọt lớn nhất ở Cà Mau:

img

Một bể chứa bùn đang được thổi lên.

img

Một bể chứa sình bùn lớn nằm cạnh tuyến đường bê tông tạm dẫn vào khu Nhà điều hành dự án.

img

Con đường tạm dẫn vào khu vực điều hành dự án thấp hơn so với bờ bao chứa bùn hơn 1m.

img

Đường đi lên lòng hồ chính bằng đường sông.

img

Những vị trí thấp, nước sình tràn qua lộ bê tông, người dân phải dùng đất đắp để ngăn lại.

img

Đường bộ dẫn đến lòng hồ chính đang được khẩn trương thi công.

img

Đường dẫn đến lòng hồ chính có chiều dài khoảng 4km.

Quy mô Dự án ICRSL gồm 10 Tiểu dự án đang được triển khai tại 8 địa phương thuộc khu vực ĐBSCL gồm: An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau thực hiện Tiểu dự án 8 với tên gọi Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ vùng nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau.

Dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau được phê duyệt có tổng mức đầu tư 792,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới khoảng 657 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của tỉnh và tư nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.