Xã hội

Cận cảnh công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang ở Sơn La

06/08/2019, 14:59
image

Công trình nước sạch giá trị hàng tỷ đồng ở Sơn La đang bỏ hoang trong khi hàng trăm hộ dân cạnh đó thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước để dùng.

img
Công trình nước sạch hàng tỷ đồng đang bị bỏ hoang ở Sơn La

Công trình nước sạch tại hai bản Lũng Xá, Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư. Với giá trị khoảng 5 tỷ đồng, công trình được bắt đầu thực hiện từ năm 2009, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thi công khu vực trạm bơm hoàn thành vào năm 2011, giai đoạn 2 xây dựng thêm 2 bể 500m3 hoàn thành vào năm 2013.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, công trình có 2 bể lớn tròn, cao khoảng 30m, được xây bằng bê tông, mỗi bể có thể tích 500m3 để tích nước. Nước sau đó được dẫn về trạm bơm bằng hệ thống ống sắt. Toàn bộ công trình bị bao phủ bởi cây cối, rêu mốc. Phía ngoài nền chân bể bị nước xói mòn tạo thành hàm ếch nhìn rất nguy hiểm, những đầu ống sắt dẫn nước từ bể ra ngoài bị han gỉ rất nhiều.

Vượt qua sườn núi, chúng tôi đến khu vực trạm bơm cách đó chừng hơn 100m là nơi sẽ tiếp nhận nước từ 2 bể lớn rồi dùng máy bơm công suất lớn cung cấp đến từng hộ dân ở 2 bản Lũng Xá, Tà Dê. Ở đây, cảnh tượng còn khủng khiếp hơn, cây cỏ, rác thải tràn ngập khắp nơi. Ngôi nhà trông coi trạm bơm ổ khóa đã han gỉ, mạng nhện chăng kín những chiếc máy bơm. Một chiếc bể lớn nằm cạnh đó nước có màu đen, nổi váng, trong bể có nhiều loại côn trùng sinh sống nên không ai dám dùng.

Ông Giàng A Giống Trưởng bản Lũng Xá cho biết, công trình nước sạch phục vụ bản Lũng Xá, Tà Dê sau khi hoàn thành chỉ cho ra được… một xô nước rồi "tịt" luôn không dùng được nữa. Từ năm 2013, công trình bị bỏ hoang, cây, cỏ, rêu mọc um tùm.

Cứ vào mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 sang năm), người dân phải đi mua nước về dùng. Nhiều khi phải đi mua nước sinh hoạt ở ngoài QL6. Mỗi xe 4m3 nước có giá khoảng 700 nghìn đồng, trong khi công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ lại không thể dùng, quá lãng phí”.

Clip về công trình tiền tỷ bỏ hoang ở Sơn La:

Một số hình ảnh về công trình nước sạch tại 2 bản Lũng Xá, Tà Dê xã Lóng Lông, Vân Hồ, Sơn La:

img
Công trình có 2 bể lớn tròn, cao khoảng 30m, được xây bằng bê tông, mỗi bể có thể tích 500m3 để tích nước
img
Ông Giàng A Giống đang chỉ vào những vị trí han rỉ của công trình.
img
Phần đầu ống nước lâu năm không được sử dụng.
img
Hàm ếch xuất hiện phần chân của chiếc bể lớn
img
Ông Giàng A Cở, Phó chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho biết: “Năm 2013, công trình nước sạch tại 2 bản Lũng Xá, Tà Dê được hoàn thành với giá trị gần 4 tỷ đồng, mục đích cung cấp nước sạch, tích nước cấp cho người dân 2 bản. Thế nhưng, công trình mới xây dựng xong được một thời gian thì bị nứt nẻ. Đơn vị thi công cũng đã vào cuộc xử lý, nhưng đến giờ thì bỏ hoang do không có nguồn nước vào”.
img
Nhà vận hành, bảo vệ trạm bơm bỏ hoang.
img
Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết, công trình này do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư, hiện bị bỏ hoang nên tỉnh đã thanh tra, có kết luận và đang yêu cầu khắc phục.
img
Bể nước cạnh trạm bơm nổi váng nên không ai dám dùng .
img
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tường Thuật, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La thừa nhận việc công trình không hoạt động nhiều năm nay và cho biết: “Hiện tại đang tích nước vào 2 bể 500m3 để người dân sử dụng tại chỗ. Hồ sơ liên quan đến công trình, chúng tôi đã nộp cho Công an tỉnh Sơn La để phục vụ quá trình điều tra về công trình, khi nào có kết quả tôi sẽ cung cấp sau”.
img
Người dân 2 bản Lũng Xá, Tà Dê luôn mong mỏi: “Ở đây an ninh trật tự ổn định, đường sá đi lại cũng có rồi, bà con mong các cấp chính quyền của tỉnh Sơn La tiếp tục xuống kiểm tra, khảo sát có các biện pháp khắc phục như khoan giếng, hay dẫn nguồn nước ở nơi khác về để cho công trình nước sạch có thể hoạt động, đảm bảo cho bà con có nước để dùng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.