Dãy nhà 2 tầng mang kiến trúc Pháp nằm trên khu đất "kim cương" chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học đang được phá dỡ để khởi công xây dựng cao ốc 11 tầng.
Điều này khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, bởi công trình có tuổi đời lên tới cả trăm năm, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông trong ngày 5/4, dãy nhà trên khu đất "kim cương" tại quận Ba Đình có diện tích hơn 9.000 m2 đang được phá bỏ để xây dựng dự án mới.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình đa chức năng POSTEF tại khu đất này. Dự có tổng diện tích nghiên cứu hơn 9.078 m2, diện tích đất lập dự án là 7.532 m2.
Dãy nhà trên các mặt phố Lê Trực, Nguyễn Thái Học đang trong giai đoạn phá dỡ từng phần, đơn vị thi công cũng tiến hành dựng giàn giáo, quây lưới quanh công trình.
Phần mái cổ với kiến trúc độc đáo đầu thế kỷ XX đã bị dỡ xuống.
Đáng chú ý, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Chính tại địa điểm này, quân dân Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19/5/1967.
Khá bất ngờ khi biết tin dãy nhà có gắn bức phù điêu bị phá dỡ, bà Hương (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) cho biết, khi còn là một hướng dẫn viên du lịch, bà thường đưa khách tới đây để kể về một giai đoạn lịch sử của Hà Nội.
"Hy vọng rằng, bức phù điêu có thể được bảo tồn một cách nguyên vẹn. Sau khi công trình mới hoàn thành sẽ được phục dựng lại tại chính nơi đây hoặc đưa vào bảo tàng để thế hệ sau có thể tiếp tục chiêm ngưỡng", bà Hương bày tỏ.
Khu đất có vị trí đắc địa, cách Quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét.
Đây là trụ sở chính của CTCP thiết bị Bưu điện (POSTEF).
Các công nhân, máy móc đang gấp rút phá bỏ những phần còn lại của tòa nhà.
Thiết kế tòa nhà 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, chiều cao khoảng 42,9 m sắp được xây dựng cạnh Quảng trường Ba Đình gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội
Hiện tại, chỉ còn dãy nhà dọc đường Hùng Vương vẫn chưa bị phá dỡ.
Công trình đã rất thân thuộc với người dân Thủ đô bởi kiến trúc kiểu Pháp thấp tầng bên dưới những tán cổ thụ.
Khu nhà máy mang dấu ấn kiến trúc đầu thế kỷ XX sau này sẽ thành nhà cao tầng với nhiều ô kính
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận