Sáng 23/3, Bệnh viên Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đưa robot “BK-AntiCovid” vào sử dụng phục vụ tại khu cách ly người nghi nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện.
Robot "BK- AntiCivid" là sản phẩm công nghệ được nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chế tạo theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản–Nhi Đà Nẵng để phục vụ người tại khu cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm Covid - 19.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: Từ đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng), sau 10 ngày, trong đó có 5 ngày chế tạo, nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho ra đời thành công robot “BK-AntiCovid” để vận chuyển thức ăn, thuốc men, các vật dụng cá nhân… phục vụ bệnh nhân tại khu cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm Covid - 19.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Robot “BK – Anticovid” có cấu tạo bằng thép không gỉ (inox) 3 ly, khung đúc liền với nhau để không bị thấm nước. Trong quá trình vận hành, có thể xịt, phun thuốc khử trùng, hóa chất lên robot theo yêu cầu của y tế mà vẫn đảm bảo các mạch, linh kiện hoạt động ổn định.
Robot có tốc độ di chuyển chậm, điều khiển bằng chế độ cầm tay. Trên robot chỉ có một nút điều khiển đi đa hướng, người điều khiển quay hướng nào thì robot sẽ đi theo hướng đó nên tương đối dễ dàng khi sử dụng. Robot có khả năng vận chuyển trọng tải khoảng 100kg.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết: Việc chế tạo robot sử dụng toàn bộ linh kiện mới, trong đó chip phải đặt hàng và gửi hỏa tốc, gia công phần cơ khí trong điều kiện gấp rút nên giá thành khoảng 50 triệu. Tuy nhiên, nếu chế tạo khoảng 10 con robot thì chi phí sẽ giảm xuống rất nhiều.
Bác sĩ Trần Đình Vĩnh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho hay: Hiện nay, có 20 người được cách ly trong bệnh viện. Trong đó có 1 phụ nữ mang thai và 1 em bé. Công tác chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe của những người trong khu cách ly gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Vì vậy, việc đưa robot vào phục vụ những người trong khu cách ly có ý nghĩa thiết thực. Không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, mà giảm thời gian tiếp xúc giữa người nghi nhiễm, hạn chế lây lan dịch.
"Hiện nay, robot đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm nên chưa biết hết các tính năng, hiệu quả. Tuy nhiên, robot cần tích hợp thêm các tính năng phục vụ y tế khác như chức năng đo thân nhiệt người từ xa...", BS, Trần Đình Vĩnh đề xuất.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho hay: Sau thời gian hoạt động thử nghiệm, nếu phía Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng có đề xuất, yêu cầu thêm những tính năng cho robot, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng trong điều kiện có thể.
>>>Video cận cảnh robot vận hành ở bệnh viện:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận