Ban QLDA Đầu tư công trình giao thông Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy.
Dự án được phê duyệt với 22 gói thầu, tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng. Chiều dài hầm được tính toán dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75m (tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường). Hồ sơ và thông số thiết kế hầm cùng chức năng sử dụng được yêu cầu như các hầm chui đã đưa vào sử dụng là Lê Văn Lương, Trung Hòa, Thanh Xuân.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đến năm 2050, số lượng phương tiện lưu thông theo hướng quốc lộ 5 cũ về cầu Vĩnh Tuy sẽ lên tới 50.232 phương tiện/ngày đêm. Tương tự, theo chiều ngược lại sẽ có 45.175 phương tiện/ngày đêm.
Chiều 17/7, có mặt trong giờ cao điểm ở khu vực sắp thi công hầm chui nút giao Cổ Linh, PV Báo Giao thông nhận thấy lưu lượng qua nút giao đông đúc. Hướng từ cầu Vĩnh Tuy đi Cổ Linh thời điểm 17h30 luôn ken đặc, các phương tiện di chuyển chậm chạp. Do đó, việc làm hầm chui qua tuyến đường để giải tỏa ùn tắc là cần thiết.
Dự kiến, hầm chui được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy - Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm. (Trong ảnh v ị trí làm hầm chui nút giao Cổ Linh. Ảnh chụp tại thời điểm 17h40 ngày 17/7).
Mặc dù Hà Nội vừa hoàn thành việc thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, song, lưu lượng từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, từ cầu Vĩnh Tuy đổ về nút giao Cổ Linh lớn, biến nơi đây thành một trong những nút giao thường xuyên ùn tắc, nhất là khung giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết.
Trước đó, sau khi thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị có liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông cho khu vực phía Đông, Đông Bắc Vành đai 2. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.
Theo UBND TP Hà Nội, sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng đường, gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Người dân chật vật di chuyển từ cầu Vĩnh Tuy hướng đi nút giao Cổ Linh.
Lưu lượng phương tiện từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng về càng lúc càng đông trong giờ cao điểm chiều tối 17/7.
Việc làm hầm chui sẽ giúp hạ tầng giao thông tại khu vực này thêm đồng bộ, hiện đại.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có tổng cộng 4 hầm chui được đưa vào sử dụng, một hầm chui đang xây dựng. Bốn hầm chui đã đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn gồm: Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương. Một hầm đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng. Được biết, Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy là một trong những nút giao thông trọng điểm của thành phố, là điểm trung chuyển lưu lượng giao thông lớn từ Vành đai 2 đi nhiều tuyến liên tỉnh cũng như một số khu vực nội đô đông đúc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận