Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Cần làm rõ có thực là chỉ người nghèo mới mưu sinh nhờ vỉa hè, hay người giàu đang lạm dụng vỉa hè để tận thu nhiều hơn, bởi người giàu mới có nhà, có cửa hàng kinh doanh sở hữu mặt tiền vỉa hè... Có như vậy dư luận mới thêm niềm tin, ý nghĩa chiến dịch dẹp loạn vỉa hè không bị bóp méo.
Thay đổi nhận thức người dân - vỉa hè không phải... của riêng
Cùng nhìn lại lịch sử trước đây, Hà Nội những năm trước Cách mạng tháng 8/1945 là một thành phố nhỏ, kiến trúc còn rất đơn sơ, nhưng quy hoạch các khu vực với công năng rất rõ ràng. Nhưng nếu quan sát Hà Nội của hiện tại và rất nhiều đô thị lớn khác trên cả nước, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lộn xộn trong quy hoạch, tất cả đều không có quy hoạch ổn định, những không gian xây dựng lên đều quá coi trọng mục tiêu thu phí mà quên mất lợi ích chung của xã hội.
"Tôi đương nhiên có niềm tin chúng ta sẽ làm tốt, khi có tổng thể tất cả các giải pháp, vì trong xã hội này nếu không có niềm tin thì khó mà tồn tại được. Niềm tin của tôi là chúng ta không thể lùi việc này được nữa, không thể trì hoãn được nữa vì chúng ta chất chứa quá nhiều bức xúc và lộn xộn trong vấn đề này rồi. Trong việc này, rất cần có sự ủng hộ của dư luận xã hội đối với các cấp lãnh đạo, quản lý, rất cần thiết có sự đồng thuận của xã hội. Tôi tin, chúng ta sẽ làm được." Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Đơn cử như hạ tầng giao thông tĩnh, là một điều kiện căn cơ để các đô thị có thể thực hiện quy hoạch bài bản hơn, đều bị “bỏ rơi”, không được quan tâm đúng mức. Thậm chí, nhiều dự án giao thông tĩnh đã được triển khai, nhưng lại bị bỏ dở, chỉ vì những người thực hiện thấy rằng lợi ích khi ấy không nằm ở trong túi họ, mà lợi ích là chung của xã hội. Đây là thực trạng cay đắng, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận.
Để nói về việc lập lại trật tự vỉa hè, hãy bắt nguồn từ những người gắn liền với vỉa hè. Trước hết, phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về việc sở hữu vỉa hè, làm rõ quan điểm và trả lời câu hỏi: “Vỉa hè là của ai?”.
Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, vỉa hè trước cửa nhà mình nghiễm nhiên của mình, không ai được động đến. Đó là suy nghĩ rất sai lầm. Trước kia, trong chế độ cũ, người ta đánh thuế ban công hay mái hiên, vỉa hè không phải để tận thu, mà điều quan trọng là họ muốn xác lập tính hợp pháp về quyền sở hữu của chung, qua đó khẳng định những tài sản đó là của Nhà nước, của công cộng. Nhưng nay lại rất lộn xộn trong việc này, không ai quản lý được.
Cùng với việc thay đổi nhận thức, chúng ta phải từng bước tạo không gian, tạo điều kiện để người dân ít bị ảnh hưởng tới cuộc sống nhất. Và người dân cũng phải phối hợp với chính quyền, phải tự ý thức được trách nhiệm của mình. Đơn cử như khi anh mở một quán ăn, trước mắt anh phải giải được bài toán khách đến ăn sẽ để xe ở đâu, không thể cứ thế mở ra, rồi khi chính quyền không cho để xe trên vỉa hè, anh lại đổ lỗi rằng, đó là cái sai của chính quyền khi ngăn cản anh kinh doanh.
Lực lượng chức năng phườngVĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phá bỏ phần bê tông do các hộ gia đình gần mặt đường đổ thêm làm biến dạng vỉa hè - Ảnh: Khánh Linh |
Không thể mãi bao biện vì... mưu sinh
Trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè được nhiều nơi thực hiện thời gian qua, có lẽ vấn đề bức xúc, dễ gây tranh cãi giữa người dân và lực lượng làm nhiệm vụ nhất chính là quyền mưu sinh.
Người ta nói nhiều về việc lập lại trật tự vỉa hè thế này sẽ ảnh hưởng công việc mưu sinh và sẽ là gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền với nhiều người. Thậm chí, có thể khiến những người nghèo lâu nay dùng vỉa hè làm nơi mưu sinh tới đây không biết sống dựa vào đâu. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với điều này, nhưng chúng ta không thể để thói quen xấu cứ mãi kéo dài rồi được bao biện trong hai chữ “mưu sinh”. Như thế sẽ mãi không bao giờ giải quyết dứt điểm và không thể phát triển được.
Ở một khía cạnh khác, cần phải làm rõ có thực là chỉ có người nghèo mưu sinh nhờ vỉa hè không? Tôi thì thấy, người giàu đang lạm dụng vỉa hè để tận thu nhiều hơn, bởi người giàu mới có nhà, có cửa hàng kinh doanh sở hữu mặt tiền vỉa hè. Cho nên, dù vì bất cứ lý do gì, chúng ta hãy tìm cách làm kiên quyết đến cùng, đừng để hai chữ “mưu sinh” của một bộ phận nào đó làm ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp đem lại cái lợi to lớn cho cả xã hội.
Bớt lợi ích riêng, cùng hướng đến cái chung
Lâu nay, chúng ta có nhiều chiến dịch lập lại vỉa hè nhưng không thành công, phần vì do làm kiểu “đánh trống bỏ dùi”, thiếu kiên quyết, nhưng phần khác còn do chính những quy định của pháp luật về vấn đề này chưa đồng bộ, đầy đủ. Hai luật liên quan là Luật Xây dựng và Luật GTĐB còn đề cập đến vỉa hè một cách rất sơ sài, nên tới đây cần sửa đổi, bổ sung đầy đủ hơn. Muốn lập lại trật tự vỉa hè, phải có chính sách đồng bộ, quyết liệt.
Trước hết, phải quan tâm đến quy hoạch của từng đô thị. Điều này các nước làm rất tốt nhưng ta chưa làm được như vậy. Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM nhất định phải quan tâm đến hạ tầng giao thông tĩnh và khai thác chiều sâu của các hệ thống kiến trúc ngầm. Và để làm được việc này, tất nhiên, cần có thời gian. Chúng ta phải chấp nhận bước quá độ nào đó mới đạt được mục đích đề ra. Vấn đề chỉ là nếu đã làm, đừng bỏ dở mà hãy kiên quyết làm tới cùng, vướng mắc tới đâu tìm cách giải quyết tới đó.
Quá trình thực hiện, người dân có ý kiến này khác là chuyện đương nhiên, nhưng quan trọng là năng lực lắng nghe, xử lý của lãnh đạo và lực lượng thực thi nhiệm vụ. Chúng ta hãy đề cao những người tự nhận ra cái sai trong lấn chiếm vỉa hè, bởi đó là những người biết bỏ qua cái lợi trước mắt để hướng tới cái chung của xã hội.
Nói như vậy để thấy rằng, khi nhìn nhận đánh giá bất cứ vấn đề gì ta đều không bỏ qua vấn đề lợi ích, chỉ có điều lợi ích đó hướng về ai và mỗi người phải biết chia sẻ, biết chịu thiệt, mất đi một chút lợi ích riêng tư để đạt tới lợi ích chung. Rồi sau này, trong quy hoạch tổng thể của một thành phố có vỉa hè thông thoáng thì chắc chắn người dân cũng được hưởng lợi. Chỉ có điều, ta hãy kiên nhẫn vì lợi ích đến sau, không thể có ngay được.
Cũng mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thẳng thắn chỉ ra thực trạng có thế lực đứng sau “chống lưng”, bảo kê cho việc lạm dụng vỉa hè để kinh doanh, tôi cho đó là một hành động đáng ghi nhận. Nhiều người tất nhiên đặt câu hỏi: “Tại sao thời làm Giám đốc Công an TP, ông biết mà ông không dẹp luôn đi?”, nhưng tôi cho rằng, làm được việc này cần cả quá trình lâu dài và việc ông Chung nói ra như vậy tôi cho là dũng cảm, bởi dù sao nói muộn còn hơn không nói.
Bảo kê hay “chống lưng”, thực ra người dân nào cũng đều biết cả. Nhưng do chúng ta làm không kiên quyết, không đến nơi đến chốn, lách luật, nể nang nên chưa xử lý dứt điểm được. Hành lang pháp lý ta có rồi, chỉ cần ta làm đúng luật là được thôi.
Nhưng bên cạnh cái lý, cũng phải quan tâm đến “cái tình”. Đó là việc tính tới các phương án đảm bảo cho những người mưu sinh nhờ vỉa hè không bị ảnh hưởng nhiều. Rồi cũng phải quan tâm đến chính đời sống, thu nhập của các cán bộ phường, xã, huyện. Khi ấy, họ mới toàn tâm toàn ý phục vụ đúng luật pháp được.
Ta đừng áp đặt rằng họ là cán bộ công chức, họ phải hy sinh mọi thứ vì cái chung, phải hy sinh quyền lợi để phục vụ nhân dân... Đó chỉ là ý chí thuần túy thôi, mà ý chí thì không bao giờ bền vững cả. Ta hãy chăm lo để anh em có cuộc sống ổn định, đầy đủ để họ tận tuỵ làm việc vì cái chung.
Chúng ta cũng đừng băn khoăn khi thấy có cãi vã giữa người dân và lực lượng đi dẹp vỉa hè, hãy coi đó là chuyện bình thường và nếu có thể, hãy tạo điều kiện cho người dân ấy có cơ hội để tự nhận ra cái sai, tự sửa cái sai của mình, bởi trong cái sai của họ có cái sai của chính quyền, do chính quyền tiếp tay hay buông lỏng quản lý mới dẫn đến cái sai như thế. Nếu cùng nhau chia sẻ, ta sẽ đi được dài và bền vững hơn. Còn nếu chỉ làm kiểu đối phó, sẽ chẳng thể lâu dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận