Bộ GTVT vừa phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe (GPLX), với nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm quản lý chặt, nâng cao chất lượng đào tạo. PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, chủ hệ thống Trung tâm Dạy nghề lái xe 3T đang áp dụng mô hình đào tạo theo công nghệ quốc tế trong đào tạo lái xe.
Ở góc độ đào tạo, ông có nhận định gì về Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX vừa được ban hành?
Có thể nói đây là bước đột phá trong vấn đề sử dụng công nghệ để quản lý hoạt động sát hạch và dạy lái xe. Với giải pháp công nghệ này, Bộ GTVT đã hướng đến khả năng đo lường được kết quả học lý thuyết và thực hành của người học. Từ đó làm cơ sở để có những điều chỉnh trong tương lai phù hợp nhu cầu thực tế theo sự phát triển của xã hội.
Được biết, trong thời gian qua hệ thống trung tâm đào tạo lái xe của đơn vị đã ứng dụng công nghệ đào tạo lái xe theo chuẩn quốc tế. Ông có thể khái quát phương pháp được áp dụng trong thực tế như thế nào?
Chúng tôi may mắn tiếp cận với công nghệ đào tạo nước ngoài thông qua những chuyến đi học tập với Tổng cục Đường bộ VN hay những tổ chức phân phối xe ô tô. Từ đó, chúng tôi đưa về và áp dụng công nghệ Singapore trong đào tạo lái xe. Một số nét đặc biệt mà công nghệ này đang có như: Sân tập lái với cách xếp bài hình giúp có thể tập với số lượng xe ô tô gấp 3 lần sân bình thường. Học viên có thể hẹn giờ tập theo nhu cầu; chọn ngày thi theo nhu cầu. Biết số giờ học còn lại thông qua kết quả “check” vân tay mỗi lần học; xác định quãng đường, thời gian học thông qua GPS, nhận diện người học thực hành qua camera…
Khi đưa vào hoạt động, học viên có bỡ ngỡ với phương pháp đào tạo mới mẻ này không? Hiệu quả tính lan tỏa của mô hình đến nay ra sao, thưa ông?
Với phương pháp này, người học tự tin và chủ động trong việc sắp xếp thời gian học, giúp cho người học thích học hơn, hào hứng hơn và việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng từ đó cũng nhanh hơn. Với sự tiện lợi đó mà người dân ở địa phương đến với chúng tôi học lái xe nhiều hơn hẳn so với trước đây.
Nhiều năm qua xảy ra tình trạng các trung tâm đào tạo lái xe mỗi nơi áp dụng đào tạo khác nhau. Ở góc độ đào tạo, theo ông, cơ quan quản lý Nhà nước có cần thiết phải chuẩn hóa mô hình đào tạo lái xe trong cả nước hay không?
Lý do mỗi trung tâm đào tạo có những phương pháp quản lý và dạy khác nhau theo tôi là do bộ chương trình khung hiện tại và cách quản lý dạy, học hiện tại không phù hợp với thực tế và xu hướng thay đổi của xã hội. Cơ quan nhà nước lúc này cần đưa ra mô hình đào tạo lái xe phù hợp hơn với thực tiễn, từ đó dễ dàng đồng bộ hóa phương pháp đào tạo và quản lý trên cả nước.
Ông có thể cho biết ý kiến cá nhân mà mình tâm đắc nhất trong việc đào tạo lái xe để nâng cao an toàn trong tham gia giao thông?
Theo quan điểm của tôi, cần đưa môn học nhận biết tình huống nguy hiểm và cách xử lý để tránh rủi ro trong tham gia giao thông. Thực tế ở nước ngoài có dạy môn học này còn Việt Nam chưa có. Một số lái xe đi đúng luật giao thông nhưng bị xem là “đi ẩu”, vì không nhận biết trước đâu là tình huống nguy hiểm để mà tránh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước nên cho phép thí điểm Cơ sở đào tạo chủ động đưa ra chương trình đào tạo và phương pháp dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi về thời gian và cách giao tiếp chủ động theo công nghệ 4.0 giữa người học và người dạy. Và đương nhiên vẫn đáp ứng kỳ sát hạch chuẩn quốc gia.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận