Các hãng taxi tại Hà Nội hiện đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của người dân - Ảnh: Tạ Tôn |
Theo tôi, việc xây dựng một quy chế quản lý taxi là cần thiết để quản lý hiệu quả và minh bạch hơn. Đây cũng không phải lần đầu mà đã là lần thứ tư Hà Nội đề cập đến vấn đề này và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành thể hiện sự cầu thị và khoa học.
Tất nhiên, khi xây dựng quy chế quản lý taxi sẽ có những ý kiến nhiều chiều, bởi mỗi quy định đều tác động đến hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp taxi trên địa bàn. Do đó, cần có cái nhìn đa chiều và phân tích thấu đáo, thực sự khách quan để lĩnh vực này hoạt động hiệu quả hơn.
Về nội dung cụ thể, quan điểm cá nhân, tôi đồng tình việc thống nhất một màu sơn cho xe taxi mà cơ quan chức năng TP Hà Nội đưa ra. Việc này không có gì mới, cách đây khoảng chục năm khi ban hành Quyết định 86, Bộ GTVT đưa ra mỗi doanh nghiệp đăng ký một màu sơn đặc trưng, Hà Nội lúc đó có hơn 100 doanh nghiệp thì có hơn 100 màu sơn khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay trong xu thế hội nhập, có những thứ cần phải thay đổi phù hợp và văn minh hơn. Taxi chung một màu sơn sẽ thân thiện và dễ quản lý hơn. Hơn nữa, việc này các nước đã thực hiện từ lâu rồi. Đồng phục biểu trưng cho sự quy củ, văn minh... sẽ đẹp hơn, tôn vinh ngành vận tải taxi. Tất nhiên vẫn đang có những ý kiến trái chiều như khi sơn màu sẽ tốn kém hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến thương hiệu, nhưng các doanh nghiệp taxi cần đặt lợi ích chung lên trước.
Còn chuyện thương hiệu phụ thuộc vào nhiều thứ, đâu chỉ có màu sơn. Như Uber, Grab... không sơn màu riêng, nhưng các hãng taxi công nghệ này lại đang chiếm được số lượng khách rất lớn.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc chia vùng, nội, ngoại thành cho taxi, vì quy định này rõ ràng đi ngược lại xu thế phát triển. Hoạt động vận tải không thể chia cách, phân biệt ra như thế được. Đơn cử, tôi gọi taxi từ Phú Xuyên về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi đưa người về BV Phụ sản phải cho tôi chở người về Phú Xuyên để tiết kiệm chi phí, sao lại bắt tôi phải quay trở về để khách hàng phải gọi xe trên thành phố. Việc này không nhằm mục đích phục vụ người dân mà cũng làm cho xe chạy rỗng tăng lên nên cần phải xem xét lại.
Cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ trên thế giới, ngay tại Việt Nam cũng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Để thích ứng, tôi cho rằng nên để các hãng taxi truyền thống tự tìm ra phương án phát triển bền vững để tồn tại. Nếu không tự vươn lên, không xây dựng đề án phát triển bền vững, doanh nghiệp đó chắc chắn bị đào thải. Nhà nước chỉ nên tạo dựng cơ chế, hành lang pháp lý, không nên can thiệp quá sâu, quá cụ thể vào việc điều hành của các hãng taxi.
Bùi Danh Liên
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận