Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng giao thông cần xem xét cơ chế bảo lãnh tài chính và bảo lãnh doanh thu đối với các dự án BOT giao thông (Chụp tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ GTVT diễn ra sáng 10/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế đặc thù để ngành GTVT thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm, như dự án đường cao tốc.
Hoàn thành toàn diện các mục tiêu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, năm 2016, Bộ GTVT đã đạt được kết quả toàn diện trên nhiều mặt công tác, đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế 6,2% năm qua của cả nước. “Bộ GTVT có truyền thống cải cách hành chính, truyền thống từ nhiều năm và năm 2016 tiếp tục được đẩy mạnh. Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá rất cao, biểu dương những kết quả mà ngành GTVT nói chung và Bộ GTVT nói riêng đã đạt được trong năm 2016 vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận nỗ lực và thành tích của các đơn vị năm qua, 20 đơn vị tiêu biểu xuất sắc hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2016 thuộc Bộ GTVT được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 3 tỉnh, 9 huyện có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông miền núi; 51 đơn vị thuộc Bộ GTVT và 20 Sở GTVT và 9 doanh nghiệp địa phương hoạt động trong ngành GTVT được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT. |
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận hàng loạt kết quả tích cực mà ngành GTVT đã đạt được, trong đó có việc quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Theo Phó Thủ tướng: “Năm 2016, Bộ GTVT giữ được trật tự, kỷ cương trong đầu tư xây dựng, đã đầu tư theo quy hoạch, chiến lược; Rà soát lại các dự án đầu tư để khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát. Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành chức năng triển khai thanh, kiểm tra chặt chẽ các dự án đầu tư hạ tầng, trong đó có dự án BOT. Việc này vừa mang lại hiệu quả dự án, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân và Nhà nước”. Bên cạnh đó, là các lĩnh vực nổi bật mà ngành GTVT đã đạt được như: Tái cơ cấu ngành, công tác thể chế, cân đối các nguồn lực đầu tư, phát triển vận tải, bảo đảm TTATGT....
Đề cập công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hạ tầng là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố đầu vào của sản phẩm hàng hóa, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước hiện chưa đồng bộ, hệ thống đường cao tốc rất thiếu. Và khó khăn hiện nay là khả năng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách khó khăn, đòi hỏi huy động nguồn vốn xã hội hóa.
“Bên cạnh rà soát, hoàn thiện các luật, văn bản hướng dẫn luật, cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với ngành GTVT để thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm, như dự án đường cao tốc, những dự án trọng điểm vừa đúng quy định pháp luật và nhanh”, Phó Thủ tướng nói.
Xem thêm video:
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ GTVT sáng 10/1 - Ảnh: Khánh Linh |
Tiếp tục tạo đột phá vì lợi ích người dân, doanh nghiệp
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, năm 2017 tập thể lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành GTVT tiếp tục đoàn kết, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, quyết liệt cải cách, đổi mới, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác, quyết tâm xây dựng ngành GTVT phát triển toàn diện góp phần phát triển KT-XH đất nước.
“Năm 2017, cần quản lý chặt tiến độ, chất lượng các công trình, dự án, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Trong lĩnh vực đường bộ, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn dư của các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ ưu tiên đầu tư trước các dự án cấp bách, dự án mang tính liên kết vùng; Tập trung hoàn thiện báo cáo tiền khả thi xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam để trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế riêng để huy động các nguồn lực sớm triển khai dự án”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động toàn ngành phát huy truyền thống 71 năm “Đi trước mở đường” của ngành GTVT để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, lấy phương châm hành động là “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2016, Bộ GTVT tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu vận tải, triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác của ngành. Bộ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành theo thẩm quyền 50 thông tư và 13 quy hoạch, kế hoạch, đề án. Năm 2017, Bộ GTVT sẽ phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng vận tải bình quân từ 8-9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách, riêng lĩnh vực đường sắt tăng trưởng trên 10% so với năm 2016.
Liên quan đến công tác quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là các dự án BOT, báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo và thực hiện với quyết tâm cao, hoàn thành vượt mức so với kế hoạch năm 2016. Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp tục được triển khai hiệu quả; Nhất là đối với các tổng công ty lớn và các đơn vị sự nghiệp công. Về kế hoạch đầu tư phát triển, theo Thứ trưởng Nhật, năm 2017, ngành GTVT dự kiến thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 51.616 tỷ đồng.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT: Ưu tiên đảm bảo tiến độ chất lượng công trình Năm 2016, Bộ GTVT đã phê bình 28 trường hợp vi phạm về tiến độ, chất lượng dự án. Qua đó, nhiều công trình hoàn thành và vượt tiến độ như đường Tân Vũ - Lạch Huyện, nhà ga sân bay Cát Bi, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi... Tới đây, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện Năm Kỷ cương, chất lượng, tiến độ, thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp hạng các chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu để nêu cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. Qua đó, làm cơ sở lựa chọn được các chủ thể dự án có năng lực tham gia xây dựng dự án. Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính: Quyết toán dự án BOT vượt tiến độ Trong năm 2016, các nhà đầu tư đã trình quyết toán được 43 dự án, các Ban QLDA đã hoàn thành công tác kiểm tra quyết toán và trình Bộ GTVT theo kế hoạch được giao. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của các nhà đầu tư, Ban QLDA. Công tác thẩm tra quyết toán của Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ VN và Cục Hàng hải VN đạt kết quả tốt. Công tác quyết toán dự án BOT đã đi vào nền nếp, khuôn khổ.
Việt Nam sở hữu đường bay nhộn nhịp thứ 4 thế giới Năm 2016, Vietnam Airlines (VNA) đã hoàn thiện tái cấu trúc đội tàu bay, chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn 4 sao, thực hiện 128 nghìn chuyến bay, vận chuyển 20,6 triệu lượt hành khách và 264.000 tấn hàng hóa. Doanh thu của VNA - công ty mẹ đạt 59 nghìn tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 76 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.590 tỷ đồng. Năm 2017, VNA dự kiến thực hiện 130 nghìn chuyến bay, vận chuyển 21,7 triệu lượt khách, lợi nhuận trên 1.800 tỷ đồng. Thị trường vận tải hàng không trong 5 năm vừa qua phát triển bùng nổ, gây sức ép lớn lên hạ tầng hàng không, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, đường bay Hà Nội - TP HCM được đánh giá là đường bay nhộn nhịp thứ tư trên thế giới. Năm 2017, mục tiêu quan trọng của VNA là tập trung cao độ để đảm bảo an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hà Nội, TP.HCM: Quyết liệt kéo giảm ùn tắc Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 của Bộ GTVT diễn ra sáng 10/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, năm 2017, Hà Nội sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp giảm ùn tắc. Ngoài ra, Hà Nội đang quyết liệt triển khai Đề án quản lý phương tiện cá nhân, trong tháng 7 tới, sẽ trình HĐND thành phố thông qua. Cũng tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, năm 2016 đã xảy ra 37 vị trí ùn tắc, trong đó tập trung tại các khu vực nóng như Tân Cảng, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. “Năm 2017, thành phố sẽ ban hành kế hoạch với 7 nhóm công việc triển khai xuyên suốt trong 5 năm để giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020”, ông Cường nói. Nhóm PV |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận