Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hỏi thăm, động viên tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 Nanocovax
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ KH&CN, Bộ Y tế đề xuất cơ chế, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm… để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là, với năng lực hiện có, chúng ta sẽ tiếp nhận thế nào để có thể nhanh chóng sản xuất được vaccine, nếu như được chuyển giao công nghệ? Các chính sách hiện nay có những vướng mắc nào cần tháo gỡ, đặc biệt là nguồn lực tài chính?
Chặng đường dài trước mặt
Đón nhận tin vui là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được Công ty JSC Generium của Nga lựa chọn phụ trách gia công, đóng ống, đóng gói bao bì vaccine Sputnik V., song chia sẻ với Báo Giao thông, ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech, tỏ ra khá dè chừng.
“Chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán. Hiện, phía đối tác đang thẩm định, đánh giá quy trình dây chuyền sản xuất của công ty tại Hà Nội. Trong thời gian này, Vabiotech chỉ đóng gói những lô hàng nhỏ khoảng vài chục nghìn liều trên dây chuyền hiện hành, nếu ổn thì từ tháng 7 mới đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tới 5 triệu liều/tháng. Chúng tôi cũng đã tính phương án mở riêng một nhà máy để đóng ống và sản xuất vaccine với quy mô 100 triệu liều/năm”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, ngay trong khâu gia công đóng gói cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn rất cao, không những phải đáp ứng yêu cầu của riêng đối tác mà còn phải được đánh giá chất lượng bởi cơ quan quản lý của Nga.
“Dù chúng tôi rất tự tin với kinh nghiệm từng làm nhiều loại vaccine, tuy nhiên, với vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mới đòi hỏi tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn”, ông Đạt nói và nhấn mạnh: “Phải xong bước đầu mới tính tới các bước tiếp theo. Do vậy, để được đối tác chấp thuận chuyển giao công nghệ là chặng đường dài, không hề đơn giản”.
Được biết, Vabiotech chỉ đảm trách phần gia công nên toàn bộ số vaccine thành phẩm sẽ do phía Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối.
Hiện, hai bên vẫn chưa có thỏa thuận chính thức về vấn đề này. Bên cạnh đó, Vabiotech cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Ngoài ra, một tập đoàn trong nước cũng đã thảo luận, đàm phán với Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy do doanh nghiệp này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100 - 200 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Lê Văn Truyền, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc nhận định, mặc dù Chính phủ đã đàm phán nhập khẩu khoảng 170 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay, tuy nhiên đây mới chỉ là cam kết từ các đối tác.
Tới nay, nguồn nhập khẩu vaccine Covid-19 vẫn rất khan hiếm, tỷ lệ người dân trong nước được tiêm mới chỉ đạt xấp xỉ khoảng 1%. Do đó, việc thúc đẩy đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.
Theo vị chuyên gia, ngoài nhân tố mới Nanogen, Việt Nam hiện có 4 đơn vị nghiên cứu và đã sản xuất 11/12 vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Dù chúng ta đã có công nghệ và năng lực sản xuất, tuy nhiên vaccine Covid-19 là công nghệ mới, mỗi quốc gia lại có tiêu chuẩn riêng.
Trong khi các đơn vị sản xuất của Việt Nam hiện đã cổ phần hóa nên nguồn lực còn rất eo hẹp. Do đó, để được chuyển giao công nghệ đòi hỏi ngoài việc hỗ trợ tài chính, Chính phủ cần phải có cơ chế chính sách phát triển đặc thù.
Từng tư vấn cho một đơn vị trong nước nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc cho Nhật, ông Truyền cho hay chỉ riêng khâu đánh giá từ công nghệ tới nhà xưởng cũng phải mất hơn 2 năm mới đạt yêu cầu của đối tác.
Lo nhất thiếu tiền
Đó là nhận định của GS.TS. Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine sử dụng cho người, về tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine nói chung và vaccine phòng Covid-19 nói riêng.
“Đến ngày hôm nay, phải khẳng định Việt Nam quá may mắn khi chưa sản xuất được vaccine Covid-19 song đã kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh kịch bản xấu mà không có vaccine thì ra sao?”, nữ chuyên gia đặt vấn đề và cho rằng, việc Việt Nam bắt tay vào nghiên cứu vaccine Covid-19 chậm là bởi chúng ta thiếu nguồn lực về mọi mặt, đặc biệt là kinh phí.
Các nước trên thế giới đầu tư nguồn lực rất lớn, nhưng với Việt Nam, kinh phí dành cho nghiên cứu vaccine rất hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải chờ đợi tài trợ trong nước và quốc tế, hợp tác quốc tế nên tiến độ có phần bị chậm.
Theo bà Vân, từ trước tới nay, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ gì từ khâu nghiên cứu tới thử nghiệm lâm sàng, vận hành sản xuất vaccine trong nước.
Nhắc lại tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, bà Vân cho biết, trong số 4 đơn vị tham gia (Vabiotech, Ivac, Nanogen và Polyvac), tới nay chỉ còn 2 doanh nghiệp đủ nguồn lực để tiếp tục, số còn lại đều đã dừng lại chờ chuyển giao công nghệ.
Nhờ có sự hỗ trợ từ nước ngoài, Nanogen đã chủ động từ đầu nên đã có bước tiến rất xa. Trung bình để nghiên cứu sản xuất một loại vaccine phải mất từ 5 - 10 năm thì với Nanocovax, toàn bộ quy trình trong phòng thí nghiệm, tiền lâm sàng, lâm sàng phải thực hiện gối đầu nhau.
Chỉ riêng việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Nanogen đã phải bỏ hàng trăm tỷ đồng để thực hiện. Nếu thuận lợi thì đầu năm sau Nanocovax sẽ được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, công suất hiện tại của Nanogen hiện chỉ đạt khoảng 30 triệu liều/năm. Do đó, để nâng mức lên 100 triệu liều/năm phải đầu tư cả nghìn tỷ đồng, từ dây chuyền lạnh tới kho bảo quản.
Loại vaccine thứ hai Covivac của Ivac cũng dựa trên dây chuyên tài trợ của WHO, hiện đang triển khai thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Theo bà Vân, tương tự, việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cũng gặp khó về vốn đầu tư. Hầu hết các loại vaccine sản xuất trong nước hiện nay đều đã được chuyển giao công nghệ dưới hình thức một phần (đào tạo nhân lực, sau đó tự nghiên cứu áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước) hay toàn phần (đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây nhà xưởng, lắp đặt vận hành dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu…).
“Có thể hình thức khác nhau nhưng nhìn chung năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ của đội ngũ cán bộ trong nước là đáp ứng tốt, chỉ khó khăn là thiếu tiền”, bà Vân phân tích.
Trước câu hỏi, liệu chi phí đầu tư công nghệ mới sản xuất vaccine Covid-19 có tốn kém, bà Vân cho hay, vaccine Covid-19 của Nga, Mỹ và một số nước khác hiện dùng công nghệ từ tinh chất mRNA. So với công nghệ truyền thống sản xuất vaccine thông thường, mRNA có chi phí rẻ hơn, quy trình nhanh hơn, năng suất cao hơn. “Nếu có đắt thì nằm ở chi phí đầu tư công nghệ ban đầu”, bà Vân nói.
Cần cơ chế đặc thù với chiến lược rõ ràng
Chỉ khi sản xuất được vaccine Covid-19, Việt Nam mới chủ động được lượng vaccine tiêm phòng cho dân (Trong ảnh: Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax do Việt Nam sản xuất cho tình nguyện viên tại Học viện Quân y)
Liên quan đến yêu cầu của Thủ tướng đề xuất cơ chế, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, trong đó có vấn đề bản quyền, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Thanh Hùng Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết: “Trong lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên phát triển cũng đã có khá đầy đủ quy định ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ vốn trong sản xuất và chuyển giao công nghệ... Và vaccine cũng không nằm ngoài chính sách ưu đãi này. Tất nhiên, khi đi vào thực tế sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc, do đó cần rà soát lại kết hợp với đánh giá từ các đơn vị trực tiếp nào xem cần tháo gỡ cụ thể gì…”.
Tuy nhiên theo ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cơ chế chung hiện nay khó có thể gây đột phá toàn diện cho hoạt động nghiên cứu sản xuất và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe.
Do đó, ngay trong tuần này, Bộ Y tế và Bộ KH&CN sẽ ngồi lại với nhau để bàn thảo xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. “Chúng ta có tâm huyết, có nền tảng nhưng công nghệ và điều kiện cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý, đầu tư cho vaccine cần phải theo hướng rủi ro mạo hiểm 50 - 50, thậm chí phải chấp nhận khi thất bại. Do đó, nếu cứ áp theo Luật Đầu tư công hiện nay với muôn vàn thủ tục thì khó có thể thực hiện được”, ông Tác nói.
Từng 45 năm gắn bó với nghiên cứu vaccine, GS.TS. Nguyễn Thu Vân bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên thấy Chính phủ đề cập rõ ràng tới xây dựng chiến lược cụ thể về vaccine. “Đây cũng là vấn đề được giới khoa học đề cập đã lâu nhưng bị trôi đi. Chỉ tới khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ý nghĩa vaccine là hàng rào kỹ thuật bảo vệ sức khỏe con người, mới được hiểu một cách đầy đủ, thấu đáo”, bà Vân nói.
Theo bà Vân, chỉ khi xây dựng được chiến lược tổng thể, từ việc nghiên cứu, sản xuất cho tới nhập khẩu, sử dụng vaccine… thì Việt Nam mới xóa được nỗi lo dịch chồng dịch.
“Không ai biết sau đại dịch Covid-19 sẽ là gì, ngay lúc này nếu không có chính sách đầu tư phát triển đội ngũ khoa học từ công nghệ gốc thì chúng ta sẽ luôn thụ động trong sản xuất các loại vaccine thiết yếu. Đáng nói, khi nước ta còn nghèo, khó khăn, còn nhận được tài trợ từ cộng đồng quốc tế, nhưng khi đã trở thành nước phát triển thì sao? Ví như đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nước có tiền cũng không mua được vaccine”, nữ chuyên gia đặt vấn đề.
Theo bà Vân, chiến lược vaccine cần phải có tầm nhìn tổng thể quốc gia với mục tiêu, mốc thời gian cụ thể. “Các bộ, ngành phải nghiêm túc làm việc với nhau, hãy coi vaccine là sản phẩm công ích, phi lợi nhuận chứ không phải là câu chuyện riêng của các nhà sản xuất nữa. Cần hình thành một trung tâm nghiên cứu phát triển, tổ chức lại hệ thống sản xuất vaccine trong nước.
Theo đó, phải tính toán hiện tại và tương lai cần những loại vaccine gì, sản xuất ra sao, nhập khẩu thế nào, vốn ở đâu, điều kiện hỗ trợ là gì… Chỉ khi có chiến lược, cơ chế rõ ràng như vậy, các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine mới có thể chủ động lên kế hoạch phát triển”, bà Vân nói.
Tăng tốc mua vaccine tiêm cho 75% dân số trong năm nay
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thông qua việc đàm phán đặt hàng khoảng 170 triệu liều vaccine Covid-19, Việt Nam đang tăng tốc mua để bảo đảm tiêm chủng cho khoảng 75% dân số trong năm nay. Hiện nay, đã có 36 đơn vị đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vaccine Covid-19.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vaccine, các đơn vị cần lưu ý một số nội dung.
Cụ thể, với các vaccine đã được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson,...), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vaccine phòng Covid-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng bảo đảm tiến độ, an toàn và hiệu quả.
Johnson & Johnson nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa làm việc trực tuyến với Johnson & Johnson trao đổi về vấn đề nhập khẩu, cung ứng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên tích cực đàm phán về cung ứng vaccine của Johnson & Johnson cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine của hãng tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay rất nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. Việt Nam cũng là 1 trong hơn 40 quốc gia có thể sản xuất được vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân, do đó kinh nghiệm sản xuất vaccine của các nhà máy của Việt Nam được đảm bảo.
Phía Johnson & Johnson cam kết sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng qua cơ chế COVAX, làm sao để Việt Nam có vaccine của Johnson & Johnson sớm nhất.
Đại diện của Johnson & Johnson cho biết, hãng sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận