Theo đề xuất, tùy khu vực mức phí thuê lòng đường và vỉa hè mỗi m2 để giữ xe là 50.000-350.000 đồng/tháng. Phí thuê 20.000 -100.000 đồng mỗi m2 cho hoạt động kinh doanh.
Dự kiến mỗi năm nguồn thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè khoảng 1.522 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Hà Nội đã thực hiện thí điểm cho thuê vỉa hè để phục vụ kinh doanh trên một số tuyến phố với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tạ Hải
Nhu cầu thuê vỉa hè để kinh doanh là có thực và rất lớn. Và với số tiền thu được từ cho thuê vỉa hè, địa phương sẽ có thêm tiền để chỉnh trang đô thị. Nhưng nó có khả thi hay không, được đồng thuận hay không thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Vấn đề thu phí vỉa hè không mới, đã được bàn luận rất nhiều, từ rất lâu. Tại Hà Nội cũng đã thực hiện cho thuê trên một vài tuyến phố với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng.
Vừa qua, lãnh đạo thành phố lại tiếp tục yêu cầu các quận, huyện mạnh dạn thí điểm quy hoạch khu vực vỉa hè cho thuê.
Không chỉ ở Hà Nội mà với cả TP.HCM, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã được phát động nhiều lần nhưng chưa lần nào thành công. Chính vì thế, chủ trương cho thuê vỉa hè luôn là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều.
Bởi lẽ, những bất cập trong quản lý lòng đường, vỉa hè hiện nay đã được chỉ ra, đó là thiếu quy hoạch, thiếu công khai, minh bạch. Người dân dễ vi phạm trở lại khi thiếu sự giám sát của lực lượng chức năng.
Luật Giao thông đường bộ không có quy định cho thuê vỉa hè. Các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không có bất cứ quy định nào cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán hàng hóa, làm dịch vụ.
Chưa kể, nếu cho thuê thì ai được thuê, chỉ người dân ở khu vực vỉa hè được quy hoạch hay người ở nơi khác cũng được thuê? Mức giá cụ thể theo đề xuất căn cứ vào đâu?
Chẳng hạn với giá thuê mỗi m2 từ 20.000 - 50.000 đồng như đề xuất của TP.HCM, nếu diện tích 60m2, người sử dụng chỉ phải trả 1,2-3 triệu đồng/tháng.
Trong khi người dân gửi một xe máy vài tiếng phải trả ít nhất 5.000 đồng, có nơi thu 15.000 - 20.000 đồng. Với giá đó, ai chẳng muốn thuê để kinh doanh hay giữ xe?
Và khi được cho phép, chúng ta sẽ hình dung thế nào khi đi đến đâu cũng bắt gặp các điểm kinh doanh hợp pháp trên vỉa hè? Bởi khi cho thuê, lòng đường và hè phố bị chiếm dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Điều này đi ngược với công tác quản lý và Luật Giao thông đường bộ.
Luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Nếu đặt vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình trung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở đây, tức hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Hiện nay, Nghị định của Chính phủ cho phép UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác và không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Đây có thể là lý do Hà Nội, TP.HCM căn cứ để đề xuất cho thuê vỉa hè.
Tuy nhiên, nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, việc cho thuê sẽ chỉ giúp địa phương thu được tiền, còn trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị bị tác động theo hướng tiêu cực.
Đặng Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận