Thời sự

Cần cuộc “đại cách mạng” chống ngập ở TP HCM

06/12/2018, 10:00

Tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.

DSC09359

Đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2 sau cơn mưa ngày 26/11 

Tại hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập cho TP HCM” diễn ra hôm qua (5/12), nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, để giải được “bài toán” chống ngập cho TP HCM cần có cuộc “đại cách mạng” xây dựng nhiều công trình với số tiền hàng trăm nghìn tỉ đồng…

Ám ảnh của người dân

Những năm qua, kinh tế TP HCM liên tục phát triển với tốc độ tăng cao hơn trung bình của cả nước từ 1,5 - 1,7 lần. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều khu dân cư mới được xây dựng. Đến nay, dân số TP HCM đã đạt gần 13 triệu người. Cơ sở hạ tầng phát triển nhưng không tương ứng với tốc độ tăng dân số và làm phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý đô thị.

Một trong những vấn đề đó là tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Gần đây nhất, cơn bão số 9 đổ bộ khu vực Nam bộ, dù không quét sâu vào địa bàn TP HCM nhưng lượng mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ra trận ngập lụt lịch sử chưa từng có ở TP HCM.

Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập với các cao ốc, chung cư tiếp tục mọc lên ở trung tâm thành phố… càng làm bài toán chống ngập trở nên nan giải. Hiện nay, ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh kinh niên của người dân thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, đối với chương trình giảm ngập nước, nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 lên tới hơn 73.000 tỷ đồng. Do ngân sách gặp nhiều khó khăn, TP HCM sẽ phải kêu gọi tư nhân đầu tư, xã hội hóa công tác chống ngập với tổng kinh phí cần huy động lên tới 20.000 tỷ đồng.

Gần đây, một số doanh nghiệp đã đi tiên phong, chủ động đầu tư kinh phí, nghiên cứu công nghệ thực hiện các dự án chống ngập như sử dụng siêu máy bơm thông minh khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” xóa ngập cho gần 7 triệu người trên lưu vực 570km2 gồm trung tâm TP và bờ hữu sông Sài Gòn với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án vẫn gặp không ít khó khăn.

Ths. Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP HCM cho biết, việc thiếu quy hoạch, quản lý quy hoạch về cơ sở hạ tầng nên tình trạng ngập phát sinh. Hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, tiếp tục bị hư hỏng, hầm ga, kênh rạch bị nghẽn do rác và đất cát… gây úng ngập khu vực nội thành bất cứ khi nào có mưa lớn, một số quận mới thành lập (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân) đô thị hóa “tự phát” nhanh kéo theo xây nhà bất hợp pháp, xâm hại hệ thống thoát nước, kênh, rạch… Kết quả xuất hiện thêm nhiều điểm ngập “mới”.

Cách nào giảm ngập?

Ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia cao cấp về thủy lợi cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể kiểm soát ngập lụt vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai. Từ đó, rà soát lại quy hoạch giảm ngập cho khu vực TP HCM và quy hoạch giảm ngập chi tiết cho các vùng, lưu vực tiêu. “Cần thống nhất phân chia vùng, lưu vực tiêu và hướng tiêu, nếu thấy cần thiết phải xây dựng công trình hỗ trợ ngăn cách giữa các khu tiêu và nước ngoại lai”, ông Ngọc Anh nói.

Theo ông Ngọc Anh, cần rà soát, xem xét và điều chỉnh quy mô, kích thước, tiến độ các hạng mục, hệ thống công trình; đồng bộ hóa các biện pháp, công trình trong một hệ thống tiêu như cống ngăn triều, cống ngăn nước ngoại lai, trạm bơm tiêu, đê bao ven sông, nạo vét kênh rạch... nhằm tăng hiệu quả tổng thể.

“Trước mắt, cần tập trung chống lấn chiếm hệ thống sông, rạch, ao hồ, cống thoát nước, từng bước thực hiện trả lại không gian trữ nước, đầu tư các công trình ngăn triều trọng yếu. Xây dựng các công trình ngăn nước ngoại lai vào các khu tiêu; nạo vét, mở rộng các trục tiêu chính; hoàn thiện và đồng bộ từng hệ thống cống các cấp; Kết hợp nạo vét trục tiêu với xây dựng các tuyến đê bao và chỉnh trang đô thị”, ông Ngọc Anh nói.

Theo TS. Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, tới đây, phải rà soát và xây dựng hệ thống công trình phòng lũ cao và triều cường tràn vào làm ngập thành phố. Hai hệ thống công trình này phải liên kết được với nhau tạo thành hành lang vững chắc chống ngập úng do lũ cao và triều cường gây ra.

“Phải tính toán khoa học trên từng lưu vực tiêu thoát nước mưa cụ thể; không thể quy hoạch thiết kế nhỏ giọt theo chuỗi số liệu mưa đã xảy ra, bị ngập, rồi lại kêu la, chỉnh sửa toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước mưa,… ”, TS. Trường nói.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, nhà đầu tư dự án chống ngập do triều cường 10.000 tỷ đồng cho TP HCM cho rằng, thành phố có diện tích 2.095km2; Trong đó, 1.331km2 (63%) có cao độ dưới +1.5m, là nơi có địa hình thấp chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập. Các giải pháp chống ngập hiện nay như xây dựng các hệ thống cống ngầm lớn ở các khu vực và hệ thống bơm kết hợp cải tạo hệ thống thoát nước hiện hữu để đưa nước về các hệ thống cống ngầm.

“Trung Nam rất tâm huyết đầu tư xây dựng hệ thống cống ngầm (mà không ảnh hưởng đến giao thông) kết hợp với trạm bơm ở cuối tuyến… để thu nước mặt kết nối thoát nước hạ tầng “Dự án chống ngập do triều do Trung Nam thực hiện đang ngừng thi công. Hiện, mỗi ngày nhà đầu tư bỏ cả tỷ đồng để bảo vệ dự án này. Chúng tôi đang chờ quyết định của thành phố”, ông Tiến nêu.

Hiện TP HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơn mưa cực đoan có vũ lượng cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước và hiện nay đã xác lập kỷ lục 1,71m. Thành phố đang lún với tốc độ từ 3-5 cm mỗi năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.