Bỏ qua người và dữ kiện liên quan, TAND Hòa Bình phải chăng cố tình buộc tội BS Lương? |
Toà án nhân dân Hoà Bình đã tổ chức phiên toà xét xử vụ chạy thận làm 8 người chết ở Bệnh viện Đa Khoa Hòa Bình (BVĐK) - có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Đại diện cho cán cân công lý, TAND Hoà Bình đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua những con người và dữ kiện có liên quan. Đây là một điều vô cùng khó lý giải.
Trước hết, đó là những người liên quan có tính pháp nhân (trực tiếp ký hợp đồng) về vấn đề bảo trì máy là ông Trương Quý Dương, giám đốc BVĐK Hoà Bình và ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn (đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ), toà cho là không cần thiết phải có mặt. Đây là những nhân tố đã có nhiều quyết định liên quan tới thảm hoạ này về vấn đề hợp đồng kinh tế, chất lượng máy, dịch vụ và năng lực bảo trì,...
Thứ hai, đại diện Bộ Y Tế cũng không có mặt để trình bày rõ quy trình hướng dẫn cụ thể mang tính pháp lý mà Bộ đã quy định cho hoạt động chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện. Đây là điều vô cùng quan trọng, nếu không văn bản này, không thể chiếu theo quy định nào để buộc tội bác sĩ Lương. Nếu không có quy trình chuẩn, Bộ Y Tế cũng có một phần trách nhiệm.
Thứ ba, đó là sự có mặt của BS Bùi Nghĩa Thịnh. BS Thịnh là một chuyên gia về thiết bị và máy móc thận nhân tạo. Ông Thịnh đã tình nguyện bay từ TP. HCM ra để trình bày một số kỹ thuật chuyên ngành, có thể sẽ có rất nhiều thông tin hữu ích tham khảo cho sự việc này, hoàn toàn trên góc độ chuyên môn.
Trong các vụ án liên quan tới máy móc, thiết bị, sự có mặt của chuyên gia là vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp cho Tòa có được góc nhìn tổng quan, độc lập và công tâm hơn với kết quả của viện Khoa Học Hình Sự. Song, không hiểu vì lý do gì, đến phút cuối, toà đã đổi ý, không cho BS Thịnh vào tham dự theo đề nghị của luật sư.
Theo quan điểm của người viết, phải có đầy đủ 3 yếu tố trên thì sự việc mới được xem xét một cách thấu đáo. Khi có đại diện của bộ Y Tế nêu rõ quy trình bắt buộc, có thông tin của chuyên gia hàng đầu về máy móc và thiết bị y khoa chuyên ngành, có thêm các nhân chứng trong vụ việc thì ta mới mong nhanh chóng có được sự thật và các góc khuất của vấn đề sau cái chết oan uổng của 8 bệnh nhân bởi tai nạn y khoa.
Tuyệt nhiên, Toà án không thể phán xét dựa trên sự cảm tính của mình hoặc ý chí buộc tội của cơ quan điều tra hay luật sư của VKS giữ quyền công tố. Những thông tin và con người liên quan rất nhiều tới vụ việc, TAND Hoà Bình cho là không cần thiết.
Vô tình hoặc cố ý bỏ qua người và dữ kiện liên quan, TAND Hòa Bình phải chăng cố tình buộc tội BS Lương?
Xây dựng một nhà nước pháp quyền đã khó. Tìm ra công lý cho người dân lại là cả một bước đường dài. Trên bước đường gian truân ấy, đòi hỏi phải có những con người tinh thông nghiệp vụ và vô cùng tâm huyết để thực thi. Toà án là chỗ đưa pháp quyền tiệm cận hơn với công lý nhưng nếu làm không hết trách nhiệm, không thuyết phục thì người dân sẽ còn loanh quanh mãi với câu hỏi: công lý đang ở nơi đâu?
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận