Bài viết của tác giả Văn Công Điểm đến từ Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cho rằng, cần định nghĩa lại các loại hình vận tải để phù hợp với thực tiễn…
Không nên phân loại xe buýt theo địa giới hành chính
Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất phân lại loại hình kinh doanh vận tải theo hướng rút gọn từ 5 loại hình xuống còn 3 gồm: Xe buýt (xe buýt liên tỉnh và nội tỉnh), xe taxi và xe hợp đồng.
Theo tôi, việc gộp loại hình kinh doanh xe buýt và xe tuyến cố định thành một là phù hợp thực tiễn khách quan. Nhiều nước trên thế giới đã quy định hai loại hình này chung là xe buýt. Trong đó, họ chia ra làm xe buýt thành phố (City Bus) và xe buýt đường dài (Coach Bus).
Thực tiễn hoạt động cho thấy, xe buýt và xe tuyến cố định có cùng bản chất cung cấp trước dịch vụ vận tải để hành khách chọn mua sản phẩm. Có nghĩa là hai loại hình cung cấp trước lịch trình cố định tuyến, điểm xuất phát, điểm đến, các điểm dừng đón trả khách, biểu đồ tần suất chạy xe và giá vé.
Tuy nhiên, định nghĩa tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi lại chưa phản ánh đúng thực tế khách quan, lấy định nghĩa về xe buýt trong thành phố để quy định chung cho hai loại hình xe buýt. Tại khoản 34 Điều 3 định nghĩa: “Xe ô tô buýt (xe ô tô khách thành phố) là xe ô tô khách, trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng cho hành khách; có kết cấu, trang bị cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”. Rõ ràng, đây là định nghĩa quy định cho xe buýt trong thành phố. Trong khi đó, xe Coach Bus không được phép bố trí chỗ đứng cho khách (như xe tuyến cố định hiện nay).
Cũng tại khoản 4 Điều 117 dự thảo Luật định nghĩa: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải công cộng sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên hoạt động theo tuyến, lịch trình và các điểm dừng đón, trả khách được xác định trước.
Theo đó, tuyến xe buýt nội tỉnh là toàn bộ tuyến có hành trình nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến xe buýt nội tỉnh không bắt buộc phải là các bến xe. Tuyến xe buýt liên tỉnh có điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến tại các bến xe và có hành trình nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Tôi cho rằng, cách định nghĩa theo khoản 4 Điều 117 có những điểm chưa phù hợp. Cần phải hiểu, bản chất vận tải là tuyến đường dài hay ngắn, từ đó cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhưng dự thảo Luật GTĐB lại chia theo địa giới hành chính để định nghĩa. Bên cạnh đó, hiện cả nước đã có rất nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề. Đơn cử như tuyến TP HCM đi Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Theo kinh nghiệm, giữa hai đô thị liền kề của hai tỉnh có tuyến xe buýt kết nối. Việc phân định theo địa giới hành chính đã vô tình loại bỏ loại hình xe buýt hai tỉnh liền kề. Vậy, loại hình xe buýt tỉnh liền kề được xếp vào nhóm nào? Việc này có liên quan đến tiêu chuẩn phương tiện, xe có ghế ngồi cho hành khách hay không?
“Trả lại tên cho em”
Cũng theo dự thảo Luật, xe hợp đồng dưới 9 chỗ cũng sẽ được gộp chung thành taxi là không hợp lý. Thực tế, nhiều hộ cá thể hay doanh nghiệp có xe cho thuê phục vụ hội nghị, đám cưới hay cho thuê xe tự lái… Do đó, việc loại bỏ loại hình kinh doanh cho thuê xe dưới 9 chỗ để gộp vào taxi là bất hợp lý, bởi bản chất kinh doanh giữa hai loại hình này là khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến việc này là chữ trá hình “Xe hợp đồng”.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng gộp xe hợp đồng và xe du lịch thành một. Việc gộp hai loại hình có cùng bản chất này là phù hợp với thực tiễn. Điều này cũng đã được quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Cụ thể: Khoản 7 và khoản 8 Điều 3 của Nghị định 10 có định nghĩa “Xe hợp đồng”, “Xe du lịch” là thực hiện giữa doanh nghiệp vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nên bỏ chữ “Xe hợp đồng” thay bằng “Xe cho thuê” sẽ phù hợp hơn. Chính bản thân từ “Xe hợp đồng” đã trở thành cái cớ để các đơn vị lách luật gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải chân chính trong thời gian qua.
Hợp đồng là sự ghi nhận thỏa ước giữa doanh nghiệp vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Cho thuê xe là một dịch vụ kinh doanh vận tải, cho nên không dùng chữ hợp đồng để gán cho chữ “xe cho thuê ”. Điều này cũng tương tự trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, có các loại dịch vụ như: Dịch vụ thoại, dịch vụ Fax, dịch vụ truyền số liệu, dịch vụ kết nối Internet… không có cái nào gọi là dịch vụ hợp đồng.
Xét về bản chất vận tải, không có xe hợp đồng mà phải là loại hình xe cho thuê. Xe cho thuê thì giữa hai bên thể hiện bằng hợp đồng nên nhiều người quen gọi nó là loại hình xe hợp đồng. Khi sự việc sai bản chất dẫn đến định nghĩa về sự việc sẽ sai toàn bộ.
Lấy ví dụ, xe đưa đón khách tại các Hội nghị APEC, xe cưới hỏi, cho chuyên gia thuê... là loại hình xe cho thuê. Còn xe ứng dụng điện tử như: Grab, sử dụng phần mềm tìm khách và kinh doanh tính cước theo km như taxi. Hai loại hình bản chất khác nhau hoàn toàn. Trong thực tế, nhu cầu này của người dân rất lớn, nếu bỏ xe thuê dưới 9 chỗ thì các xe có nhu cầu cho thuê lại không được điều chỉnh trong luật.
Đối tượng khác là xe hợp đồng trên 16 chỗ như xe đưa đón công nhân hay gia đình có nhu cầu thuê đi công việc thì gọi là cho thuê nguyên cả chuyến xe chứ không phải là xe hợp đồng. Khi đó giữa hai bên có hợp đồng bằng giấy, bằng miệng hay hình thức khác thì đó là thỏa ước. Như vậy, xe cho thuê không có chuyện được bán vé lẻ. Nghị định 10 cũng đã quy định rõ việc này. Cần trả lại cho bản chất vận tải bằng quy định đổi tên thành xe cho thuê để tránh lợi dụng từ hợp đồng, bán vé lẻ. Nên bỏ từ hợp đồng thì xe dù sẽ bộc lộ đúng bản chất thật đây là xe cho thuê nguyên chuyến.
Do đó, cần sửa lại khoản 6 Điều 117 như sau: Kinh doanh dịch vụ xe cho thuê là loại hình kinh doanh mà đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô cho thuê nguyên cả chuyến xe với người thuê vận tải (được phép cho thuê cả người lái xe).
Việc phân chia loại hình vận tải không nên theo địa giới hành chính mà phải theo bản chất vận tải là “cự ly”. Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, định nghĩa lại khoản 4 Điều 117 như sau: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách công cộng sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên hoạt động theo tuyến, lịch trình, biểu đồ vận hành và các điểm dừng đón, trả khách được xác định trước.
Trong đó, tuyến xe buýt thành phố là tuyến xe buýt có phạm vi với cự ly hoạt động nhất định. Điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến xe buýt thành phố không bắt buộc phải là các bến xe. Tuyến xe buýt đường dài là tuyến xe buýt có điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến tại các bến xe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận