Hiện nay, Việt Nam có trên 700km đường cao tốc, nếu không điều chỉnh kịp thời thủ tục pháp lý phù hợp sẽ khó quản lý khai thác hiệu quả (Ảnh chụp cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) - Ảnh: Tạ Tôn |
Mọi người chia sẻ với mất mát quá lớn, có thể là cả gia tài của tài xế taxi, đồng thời bày tỏ, giá như trên tuyến cao tốc có hệ thống thông tin liên lạc tốt hơn, lực lượng cứu hộ đến sớm hơn một chút, có thể đã cứu vãn phần nào và chiếc taxi có lẽ không bị cháy rụi đến trơ khung.
Với phương châm “đại lộ, đại phú”, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, đã có hơn 700km đường cao tốc được đưa vào khai thác, trong đó có nhiều tuyến rất hiện đại như: Hà Nội - Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ… Các tuyến cao tốc này thực sự đã mang lại diện mạo mới cho giao thông đất nước, rút ngắn đáng kể thời gian đi lại. Tới đây, nhiều tuyến cao tốc khác cũng đang được xúc tiến đầu tư, trong đó đáng kể nhất là cao tốc Bắc - Nam. Khi được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, những tuyến cao tốc này sẽ mang đến sự đột phá mạnh mẽ, góp phần tháo điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, đưa đất nước phát triển, tiến lên hiện đại.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, phần do mới đầu tư xây dựng trong khoảng thời gian chưa lâu, phần do hạn chế trong việc điều hành, ứng xử của người tham gia giao thông… nên công tác quản lý, vận hành các tuyến cao tốc tại Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập. Hầu hết các tuyến cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhưng việc thông tin, kết nối còn hạn chế. Và thực tế vụ cháy taxi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đề cập ở trên là một minh chứng. Sau khi vụ cháy xảy ra, tài xế đã nỗ lực dập lửa và liên lạc với các cơ quan quản lý nhưng việc ứng cứu chưa thực sự hiệu quả. Lẽ ra, với hệ thống camera giám sát trải khắp, mọi tình huống giao thông trên cao tốc cần được ghi nhận và xử lý nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Đáng nói hơn, hiện còn thiếu cơ sở pháp lý liên quan các tuyến cao tốc, gây không ít khó khăn trong quá trình đầu tư, vận hành. Lãnh đạo một đơn vị quản lý và đầu tư đường cao tốc bày tỏ, những vi phạm về kết cấu hạ tầng, hành lang, tài sản đường cao tốc hiện đơn vị không tự xử lý được do không có thẩm quyền. Địa phương lại thiếu mặn mà trong bảo vệ tài sản, hành lang đường cao tốc. Khi xảy ra vụ việc trên cao tốc, đơn vị quản lý phải tự đi tìm và gõ cửa từng lực lượng để xử lý nên rất khó khăn.
Cùng đó, Luật GTĐB hiện cũng quy định khá chung chung về đường cao tốc và bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, thậm chí có riêng một chương quy định về đường cao tốc trong Luật GTĐB là rất cấp thiết. Chỉ có như vậy, công tác đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành đường cao tốc mới thực sự bài bản, quy củ và phát huy được hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận